Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

MỘT CÁCH NHÌN 18 NĂM VĂN HỌC VIỆT NGOÀI NƯỚC


Lê Hoài Nguyên


 I- Từ Văn học lưu vong đến Văn chương hải ngoại
Tháng 10 năm 1981, trong bài giới thiệu cuộc hội thảo của mười tác giả, tạp chí “Nhân Chứng” còn rụt rè nhận xét: “Tạm gọi là một nền văn học lưu vong cũng đã hình thành”. 

Thái Tú Hạp thì băn khoăn:” Sáu năm, khoảng thời gian chưa đủ để vơi dịu những nỗi đau đớn thoát lìa quê hương, nhận phận kiếp lưu đày với muôn vàn cay đắng tủi nhục. Nhìn lại sáu năm văn học Việt Nam nơi xứ người quả là một vấn đề quá lớn, có hơi vội vã chăng?”.

Uông Hồ Vệ thì đầy thất vọng trong một cái tít : “ Bộ môn văn: con dao cùn trong tay những người cầm bút lưu đày”.
Bảy năm sau, 1988, Bùi Vĩnh Phúc trên tạp chí “Văn học” số 30 đã có thể viết rằng : “ Dòng văn chương ngoài nước của người Việt sau mười ba năm xa xứ có khá nhiều sinh động. Nó cho ta hình ảnh của một dòng sông lớn tách ra làm nhiều nhánh.” Tuy nhiên ông vẫn phải đặt một câu hỏi khi vào bài:

“ Có hay không có một dòng văn học của những người Việt tứ xứ sau 30-4-1975?”.

Chỉ hai năm sau nữa, Nguyễn Hưng Quốc trên Tạp chí Văn học số 47 và 48, Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyễn Mộng Giác trên Tạp chí Văn Xã số 3 đã không cần phải đắn đo để mỗi người làm một bản sơ tính 15 năm văn học lưu vong theo cách riêng của mình. 
Ở thời điểm này bộ mặt văn học hải ngoại đã khác xa với tinh thần khởi điểm ban đầu của nó.
Bùi Vĩnh Phúc cảm thấy cần phải dùng “dòng văn chương ngoài nước” thay cho “ dòng văn chương lưu vong” hoặc “ văn chương hải ngoại”. Ông viết :

“ Khi nói ngoài nước, ta vẫn cảm thấy gần gũi đối với đất nước với con người Việt hơn là khi nói đến quốc ngoại”. Sự cảm thông, sự rung động này có lẽ là do ảnh hưởng khác biệt đối với thâm thân của ta hai tầng ý nghĩa thuần Việt và Hán Việt”.




II- Các thời kỳ phát triển
Sự kiện 30-4-1975 đối với văn học Việt Nam là một cái mốc đặc biệt quan trọng. Nó tạo ra một nền văn học thống nhất trong cả nước nhưng đồng thời chấm dứt nền văn học miền Nam Cộng hòa và khởi đầu một nền văn học lưu vong ngoài nước.
Nền văn học lưu vong ấy ban đầu kế thừa tư tưởng chính trị và kỹ thuật văn chương của văn học Sài Gòn trước 1975. Nó phản ánh cuộc sống của một bộ phận người Việt trong hoàn cảnh éo le đầy thương cảm ở bên ngoài bị chia cắt với đất nước. Nhưng thời gian và cuộc sống ở các nước phát triển đã cho nó những màu sắc mới. Tính lưu vong khởi thủy sẽ mất dần đi nhường chỗ cho tính chất hợp lưu với văn học của các nước cư trú và tính hồi cố trở về hội nhập với quê hương đất nước.
Có thể phân định tiến trình ấy qua các thời kỳ như sau:
1- Thời kỳ hình thành, khai phá : 1975-1980
Các cây bút di tản hoặc vượt biên chưa thoát khỏi trạng thái hoang mang tuyệt vọng. Mưu sinh là một gánh nặng, họ còn chờ đợi sự cứu trợ về nhà ở, công ăn việc làm… Một số người viết hoàn toàn im lặng.Một vài người thi thoảng mới cầm bút. Một số khởi định viết rồi cũng im lặng nốt. Phần văn học trong mấy tờ báo di tản lúc đó vắng bóng các tên tuổi cũ, hoặc có thì cũng ký bằng tên khác. Xuân Vũ xuất hiện trên Trắng Đen với bút danh Lê Mỹ Hương nhưng không mấy hấp dẫn. Để có món ăn tinh thần cho độc giả các báo phải đăng lại tiểu thuyết của Quỳnh Giao hoặc Kim Dung.
Những sáng tác tiêu biểu là tập thơ “Đất khách” của Thanh Nam, “ Thơ Cao Tần” của Lê Tất Điều, tập bút ký “ Thư gửi bạn” của Võ Phiến.
2- Thời kỳ phát triển : 1981-1985
Từ đầu năm 1980 làn sóng vượt biên đã làm gia tăng đáng kể số lượng người Việt tị nạn. Nhiều cây bút cũ của Sài Gòn sau khi hết hạn cải tạo cũng xuất cảnh hoặc vượt biên bổ xung cho đội ngũ văn chương ngoài nước..

Cuộc sống và trạng thái tâm lý của cộng đồng người Việt hải ngoại tạm thời ổn định. Báo chí xuất bản tăng lên đột ngột do có máy xếp chữ ảnh điện toán ứng dụng phương pháp quang học lade. Phong trào chống cộng với hàng trăm tổ chức phản động lưu vong, ồn ào nhất là trên lĩnh vực âm nhạc đã kích thích không khí sáng tác của giới văn chương. 
“Hội Văn Bút Việt Nam hải ngoại” được “ Văn Bút quốc tế” công nhận, bầu lại lãnh đạo, hoạt động cũng mạnh về chính trị.
Lề lối sinh hoạt của một nền văn học lưu vong cũng hình thành với việc ra đời những tạp chí chuyên đề văn chương như “ Văn Học” của Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, “Văn” của Mai Thảo, “ Làng Văn” của Nguyên Hương và Nguyễn Hữu Nghĩa…Một số cây bút mới xuất hiện cũng nhanh chóng trưởng thành gây được ấn tượng, trong đó có nhiều cây bút nữ như Lê Thị Huệ, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Trần Diệu Hằng, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Hoàng Bắc…
Theo Nguyễn Hữu Nghĩa những tác giả được chú ý trong giai đoạn này là Võ Phiến, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Ngọc Ngạn, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Hà Thúc Sinh, Hồ Trường An, Duyên Anh, Nguyễn Mộng Giác, Võ Hoàng…
3- Thời kỳ ổn định : 1986-1990
Do tác động của tình hình quốc tế, tình hình đổi mới trong nước, phong trào chống cộng ồn ào hung hãn lắng xuống.Qua thử thách của thời gian và thị trường, rất nhiều báo tạp chí bị rơi rụng. Máy vi tính đã phổ biến giúp cho các nhà văn viết lách thuận lợi và nhanh hơn.
Thực tế đất nước và văn học đổi mới trong nước tác động vào cộng đồng hải ngoại. Người Việt và giới cầm bút hải ngoại có nhiều hy vọng, dự cảm về tương lai hòa hợp dân tộc, tái thiết đất nước.
Trong khi Võ Văn Ái hô hào chiến dịch “ Chuyển lửa về quê hương” thì nhiều tác phẩm văn học đổi mới trong nước được phổ biến trong cộng đồng hải ngoại. Một số văn nghệ sỹ có tên tuổi ở Sài Gòn trước đây muốn xin về thăm đất nước. Cuốn hợp tuyển “ Trăm hoa vẫn nở trên quê hương” tập hợp 27 tác giả ngoài nước và 79 tác giả trong nước được xuất bản tại Hoa Kỳ trong bối cảnh cổ vũ cho sự đổi mới .
Lo sợ ảnh hưởng của văn học trong nước, số văn nghệ sỹ diều hâu, cực đoan kêu gọi tấy chay, ngăn chặn “ sự xâm nhập của văn nghệ Hà Nội cộng sản” vào cộng đồng hải ngoại. Thù hận và cố chấp họ gọi văn học đổi mới trong nước chỉ là “ đồ giả”, là “ trò lừa bịp của Hà Nội nhằm chia rẽ đồng bào tị nạn”. Họ tẩy chay, cô lập những người về thăm đất nước và nhà xuất bản, báo chí in lại tác phẩm trong nước.
Khuynh hướng văn học chống cộng hung hãn mất dần hấp dẫn, cạn kiệt nguồn sống. Khuynh hướng văn học lành mạnh gây được ảnh hưởng với cộng đồng hải ngoại và những vấn đề cấp thiết trong cuộc sống giúp họ tìm lời giải cho tương lai. Bên cạnh Nhật Tiến, Du Tử Lê, Nguyễn Mộng Giác, Duyên Anh… có thêm nhiều tên tuổi mới đầy bút lực như Luân Hoán, Thường Quán, Nguyễn Văn Ba, Trân Sa, Khánh Trường, Trần Vũ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trịnh Y Thư…
4- Thời kỳ phân hóa, thanh lọc : 1990 đến nay.
Từ 1990, khuynh hướng trở về cội nguồn trong văn học Việt ngoài nước đã chứng tỏ ưu thế trong một loạt sự kiện gây chú ý đối với cộng đồng hải ngoại.
Trong Đại hội Văn bút hải ngoại nhiệm kỳ 1990-1993 liên danh Nguyễn Ngọc Ngạn thất bại, nhường vai trò lãnh đạo cho liên danh của bác sỹ Trang Châu- Trương Anh Thụy- Võ Kỳ Điền.
Tháng 10-1991 Tập san văn học nghệ thuật, biên khảo “ Hợp Lưu” ra đời tuyên bố “ đoạn tuyệt với kiểu quan hệ cũ giữa những người cầm bút hải ngoại đầy những hằn thù, nghi kỵ, bài bác chia rẽ” và chủ trương một lối thoát dũng cảm là “ trực diện với sự thật, hướng tầm nhìn về tương lai, đặt tiền đồ của văn hóa dân tộc lên trên hận thù giai đoạn bằng con đường hợp lưu”.
Tiếp theo, tháng 6-1992, ở Toronto Canada lại ra đời tạp chí “ Trăm Con” do nữ thi sỹ Trân Sa chủ biên. Tập hợp ‘ Trăm Con’ chủ trương không bị ràng buộc bởi một quá khứ nào mà chỉ hướng về tương lai, không bị ràng buộc với bất cứ một lãnh tụ nào,một chế độ nào, một ngoại bang nào mà chỉ có hòa hợp dân tộc là một.
Người Việt hải ngoại chào đón ‘Hợp Lưu”, “ Trăm Con” và đánh giá sự ra đời của nó là xu thế tất yếu đi đến hòa hợp dân tộc. Một độc giả viết: “ Từ bao năm nay có lẽ đến bây giờ báo chí hải ngoai mới thực sự giành lại được cái chức năng cao quý của nó, phản ánh trung thực tâm tư nguyện vọng của tuyệt đại đa số đồng bào”.
Cuối tháng 6, tại Montreal, Võ Đình tổ chức cuộc triển lãm hội họa và sáng tác trong ba mươi lăm năm của ông để gặp mặt bạn bè đồng sự cầm bút tỵ nạn. Nhưng trước ngày khai mạc triển lãm, có người gửi thư đến Võ Đình, nhóm “ Hợp Lưu”, “Trăm Con” đe dọa nếu họ đến Montreal thì sẽ xảy ra hành hung. Tại Toronto, hai tờ “Làng Văn” và “Chiến sĩ tự do” đòi hỏi Hiệp hội báo chí Canađa triệu tập cuộc họp khẩn cấp tẩy chay “Trăm Con”. Kết quả năm trên bảy thành viên Hiệp hội không tán thành, đa số thành viên bỏ phiếu chấp thuận giải tán hội.. 
Các tòa báo người Việt khắp nơi đều nhận được bản tin tường thuật vụ Hiệp hội báo chí Canađa tan vỡ kèm theo lời báo động Việt cộng tung ra chiến dịch “Bông hồng xám” để phá hoại làng văn hải ngoại. Việc này được giới cầm bút hải ngoại gọi là “sự kiện động đất ở Montreal”. Ngày 6-7-1992, Chủ tịch Văn bút Việt Nam hải ngoại ra tuyên bố:
“ Được biết trong thời gian hai ngày 26 và 28 thangs6 năm 1992 vừa qua tại thành phố Montreal (Canađa) các nhân sự nòng cốt trong Ban tổ chức buổi sinh hoạt đánh dấu 35 năm cầm bút của họa sĩ kiêm nhà văn Võ Đình đã bị áp lực từ nhiều phía để ngăn cản tham dự của một số anh chị em chủ trương hai tờ “Hợp Lưu” ở California (Hoa Kỳ) và “Trăm Con” ở Toronto (Canađa).
Nhận thấy hành động này đi ngược với chủ trương và tinh thần Hiến chương của Văn bút quốc tế mà chúng tôi là một thành viên, Văn bút hải ngoại cực lực phản đối mọi thế lực cưỡng bức sự tự do sinh hoạt, sự tự do phát biểu tư tưởng của giới cầm bút Việt Nam tại hải ngoại.
III – Đánh giá các khuynh hướng văn chương hải ngoại
Trong những tư liệu mà chúng tôi đã có các ý kiến đánh giá có nhiều điểm khác nhau nhưng có một nhược điểm chung là lẫn lộn giữa tiêu chuẩn về chính trị với tiêu chuẩn kỹ thuật và các màu sắc khác nhau về nội dung đề tài của văn chương người Việt ngoài nước. Có thể nguyên nhân là do chỗ đứng của người nghiên cứu hoặc do người ta thường ưu tiên cường điệu giá trị của loại văn chương chống cộng như của Nguyễn Ngọc Ngạn, Thế Giang, Võ Hoàng, Võ Văn Ái

mà nhìn nhận không công bằng với khuynh hướng hiện thực phản ánh cuộc sống xã hội di tản và tìm kiếm lối thoát cho tình trạng lưu vong.

Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đặc điểm của văn học lưu vong gồm ba yếu tố:

– Về chính trị là chống cộng, chống lại văn học trong nước.
– Tự do sáng tác
– Đối kháng lý tưởng.

Bùi Vĩnh Phúc đưa ra cách phân loại làm sáu nhánh:

– Nhánh Hoài cảm nhớ nhà
– Nhánh Lên đường chiến đấu
– Nhánh Thích nghi
– Nhánh Hội nhập
– Nhánh Tiếp cận lịch sử xã hội
– Nhánh Duy cảm duy nhiên

Nguyễn Mộng Giác thì quy tất cả về các dạng thức phản kháng chính trị của văn học lưu vong Việt Nam. Ông phân loại bốn dạng thức:

a. Dạng thức hoài niệm gồm hai giai đoạn:

1975-1979: cảm thức lưu lạc. 

Từ 1979 trở đi gồm hai khuynh hướng:
– Khuynh hướng văn chương phong tục của các cây bút gốc miền Nam 
– Khuynh hướng hồi ký ( trừ hồi ký cải tạo)

b. Dạng thức văn chương đấu tranh ( gồm cả các hồi ký cải tạo) 

c. Dạng thức hội nhập ( chủ yếu là các cây bút trẻ và các cây bút nữ)
d. Dạng thức phê phán lịch sử

Nguyễn Hữu Nghĩa tạm chia sinh hoạt văn nghệ Việt Nam lưu vong làm 5 khuynh hướng:
– Khuynh hướng dấn thân ( gồm cả chống cộng, hoài niệm quê hương và tìm kiếm giải thoát lưu vong)

– Khuynh hướng xã hội
– Khuynh hướng hoài niệm
– Khuynh hướng giao lưu( với phương Tây và cả với Hà Nội)
– Khuynh hướng bác học ( gồm cả ba ngành biên khảo, nghị luận và dịch thuật, thơ, minh họa)

Một tác giả khác, Trịnh Xuân Kim trên tạp chí “Đất mới” đưa ra 4 khuynh hướng như sau:

– Khuynh hướng chống cộng
– Khuynh hướng hoài vọng
– Khuynh hướng phi chính trị vị nghệ thuật
– Khuynh hướng đổi mới

Ở trên chúng tôi đã trình bày các cách phân loại khuynh hướng văn học hải ngoại. Tham vọng phân chia rành rẽ tuyệt đối giữa các khuynh hướng và nghiêng về cổ động chính trị cho thái độ đối lập với đất nước sẽ làm cho khó tiếp cận thực trạng nền văn học này trong từng thời điểm cũng như toàn bộ quá trình của nó.
Chúng tôi tạm thời đưa ra một cách phân chia tổng hợp trên nhiều bình diện khác nhau như sau:
A. Phân chia theo khuynh hướng tư tưởng chính trị
1. Khuynh hướng đối kháng với trong nước.
Khuynh hướng này chịu ảnh hưởng của văn học miền Nam Cộng hòa trước 1975, gồm sáng tác của một số cây bút có tên tuổi cũ và các cây bút mới nổi lên như Nguyễn Ngọc Ngạn với một loạt tiểu thuyết như “Màu cỏ úa”, “Chân dung người góa phụ”, “Trong quan tài buồn”, “Cõi đêm”; Thế Giang vốn sinh trưởng ở Hà Nội vượt biên sang Tây Đức với tập truyện ngắn “Thằng người có đuôi”…Xuân Vũ nhà văn chiêu hồi năm 1968 đã được giải thưởng của Việt Nam Cộng hòa tiểu thuyết “Đường đi không đến” có các tiểu thuyết mới “Trên lối mòn hậu chiến”, “Kẻ sống sót”. Phạm Quốc Bảo với hồi ký “Cùm đỏ”. Tạ Tỵ với “Đáy địa ngục”. Hà Thúc Sinh với “Đại học máu”…
2. Khuynh hướng thích nghi.
Các nhà văn theo khuynh hướng này chấp nhận thực tại, ưu tiên cho sự tìm kiếm giải pháp hợp lý tình trạng lưu vong của cộng đồng tại mỗi nước sở tại.
Hồ Trường An đưa ra quan niệm ‘’Hợp lưu”. 

Tác phẩm cùng tên của ông là một tuyển tập gồm nhiều truyện ngắn, mỗi truyện là một cảnh đời ly hương, một bài học về phép ứng xử để tồn tại trong cảnh huống lưu vong. Một cô gái, mẹ và em chết trong chiến tranh, vật lộn với cuộc sống sau 1975, sống chết gang tấc trên thuyền vượt biên, cuối cùng đến đất Pháp, lấy chồng người Pháp rồi sinh con đẻ cái, vun đắp cho một gia đình êm ấm. Một chàng trai hăng hái lao vào hoạt động chống cộng của một tổ chức người Việt tỵ nạn cũng như đã hăng hái lao vào các cô đầm với những cuộc tình trác táng rồi bỗng nhiên một ngày thức tỉnh và cảm thấy muốn sống một cuộc đời mẫu mực, thanh thản của đời công chức. 

Hồ Trường An cho rằng “Hợp lưu” như là một quan niệm sống:

“Dòng chảy đến từ một cội nguồn nào đó xa lắc, nhưng một khi đã đến cái nơi mà phải gặp một dòng nước khác thì hai dòng cùng gặp nhau để mà xuôi ra biển. Đó là thái độ chấp nhận ta với người một cách cởi mở, hân hoan, thư thái”.

3. Khuynh hướng hòa giải dân tộc
Khuynh hướng này hướng về đất nước với tâm thế hoài vọng và gắn bó với quê hương chứ không phải nuôi dưỡng căm thù và “chiến thắng trở về”.
Khuynh hướng này còn có thái độ phê phán hiện thực trong nước nhưng về mặt chính trị đó là thái độ chấp nhận, chờ đợi. Có thể thấy quan điểm này trong nhóm “Hợp Lưu”, “Trăm Con”, trong thơ Du Tử Lê “ Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, “Trường khúc Mẹ về biển Đông”. Hoặc ở các tác phẩm của Nhật Tiến, Thụy Khuê, Đặng Tiến, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Trần Vũ, Thường Quán, Luân Hoán, Nguyễn Hồi Thủ, Nguyễn Bá Trạc…
4. Khuynh hướng thuần túy nghệ thuật
Thực ra đây chỉ là một cách gọi, bởi vì khi tác giả chú trọng đến những đề tài mang tính nhân đạo cũng là một thái độ chính trị lành mạnh. Nhà văn khi viết về các cảnh đời trong quá khứ của quê hương không nhằm phê phán đả kích xã hội hiện tại, họ chỉ thể hiện một quan niệm về con người, về quê hương. Các tác giả tiêu biểu của khuynh hướng này là Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Văn Ba, Nhị Lang, Trần Mộng Tú, Nguyễn Thị Ngọc Nhung…Có khi khuynh hướng này bàng bạc cả ở những tùy bút của Võ Phiến, Mai Thảo, Duyên Anh…
B. Phân chia theo các phong cách sáng tác nghệ thuật
Có thể thấy trong văn học hải ngoại có 4 khuynh hướng lớn như:
– Phong cách cổ điển :
Các nhà văn theo khuynh hướng này viết với kỹ thuật và ngôn ngữ của văn học Việt Nam giai đoạn tiền chiến như Vi Khuê, Tuệ Nga, Trần Vấn Lệ, Nhị Lang…
– Phong cách hiện đại:
Các nhà văn viết với kỹ thuật và ngôn ngữ cấp tiến của văn học miền Nam 1954-1975 và chịu nhiều ảnh hưởng của các trào lưu văn chương, triết học thế giới hiện đại như Du tử Lê, Trần Diệu Hằng, Đỗ Kh, Trần Vũ, Mai Thảo, Võ Phiến, Duyên Anh, Nhã Ca…
-Khuynh hướng thể nghiệm ẩn ức tính dục:
Có thể thấy đậm nét trong sáng tác của Nguyễn Thị Thanh Bình, Đỗ Kh, Trần Vũ, Kiệt Tấn…
– Khuynh hướng thể nghiệm tâm linh tôn giáo:
Thấy trong các cây bút Nghiêu Minh, Nguyễn Hữu Nhật…
C. Phân chia theo các khuynh hướng lựa chọn đề tài:
Gồm ba khuynh hướng lớn như sau:
-Đề tài lịch sử và quá khứ:
Đó là Nguyễn Mộng Giác với hai bộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” và “ Mùa biển động”, hồi ký của các chính khách, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa như Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu…
-Đề tài cuộc sống hiện tại trong nước:
Gồm có các tác giả như Thế Giang, Nguyễn Ngọc Ngạn, Hồ Đình Nghiêm…
– Đề tài cuộc sống cộng đồng người tỵ nạn
Như Ngọc Khôi, Cao Bình Minh, Trần Thị Kim Lan, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương…
D. Các khuynh hướng bản sắc địa phương:
Có thể trong văn học hải ngoại sẽ có nhiều khuynh hướng văn chương mang bản sắc vùng miền khác nhau của đất nước Việt nam và các khuynh hướng văn chương của cộng đồng người Việt ở các vùng miền trên thế giới. Nhưng hiện tại đã thấy nổi rõ khuynh hướng văn chương mang bản sắc các địa phương Nam Bộ gồm các tác giả Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Võ Kỳ Điền, Phạm Thăng, Nguyễn Văn Sâm, Huỳnh Hữu Cửu, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Hoàng Hưng…
Đ. Phân chia theo các thế hệ cầm bút:
Có ba thế hệ điển hình là :
– Thế hệ các nhà văn cầm bút trước 1975 :
Như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Nguyên Sa, Mai Thảo, Túy Hồng, Nguyễn Thị Vinh, Thanh Nam, Trùng Dương, Dương Kiền, Nguyễn Tất Nhiên, Nam Dao…
– Thế hệ cầm bút trưởng thành sau 1975:
Gồm có Hồ Đình Nghiêm, Định Nguyên, Bùi Bích Hà, Phan Tấn Hải, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Ý Thuần…
– Thế hệ hải ngoại:
Gồm những người lớn lên và sinh ra ở hải ngoại đã cầm bút viết văn như Vũ Quỳnh N.H, Hoàng Mai Đạt, Ngu Yên, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Hoàng Nam…
Mỗi thế hệ có một vai trò nhất định đối với từng giai đoạn của văn học Việt ngoài nước. Lớp cầm bút trẻ hiện nay đã bắt đầu sung sức đang làm biến đổi bộ mặt của nền văn học hải ngoại hợp với xu thế phát triển của thời đại và đất nước.
E. Phân chia theo thể loại:
Đó là cách phân chia những người cầm bút theo thế mạnh của ngòi bút theo thể loại sáng tác như :
– Văn xuôi :

Nguyễn Đông Ngạc, Nguyễn Mộng Giác, Trần Long Hồ, Võ Đình, Võ Phiến…

– Thơ: 

Tuệ Nga, Vi Khuê, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Luân Hoán, Lê Tất Điều, Hà Huyền Chi, Khế Iêm, Thường Quán, Viên Linh…

-Biên khảo, nghiên cứu, lý luận, phê bình: 

Đặng Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Hưng Quốc…

IV – Lời kết
Mười tám năm đã qua.
Một chặng đường dài đủ cho một thế hệ lớn lên. Nền văn học người Việt ngoài nước đã trưởng thành, là một nền văn học thực thụ. Đó là công sức của đông đảo những nhà văn hải ngoại đã vượt qua cơn khủng hoảng, vượt qua hoàn cảnh sống khắc nghiệt, làm lại một nền văn học để bảo tồn tiếng Việt và văn hóa dân tộc trên đất khách quê người, để nối dài truyền thống sáng tạo gắn bó với nhân dân, đất nước của văn học Việt.
Nền văn học Việt ngoài nước hôm nay có một đội ngũ sáng tác đông đảo hàng mấy trăm cây bút đủ các thế hệ, đủ các thể loại, với hàng trăm báo, tạp chí chuyên ngành, với các cơ sở xuất bản có phương tiện hiện đại. Nó đang tự thanh lọc tính chất ly khai tiêu cực để trở về hội nhập cội nguồn, hòa vào dòng văn học trong nước. 
Có thể một vài người cầm bút hải ngoại lo sợ điều này, vẫn muốn níu giữ một nền văn học lưu vong cô độc không cho nó hướng về quê hương. Người ta lo lắng về một ngày hòa hợp dân tộc, cộng đồng tha hương đều được thoải mái đọc sách báo trong nước và các tác phẩm văn học hải ngoại cùng với những tác phẩm tinh hoa của văn học miền Nam trước 1975 được phổ biến rộng rãi trong nước thì cái gì sẽ xảy ra? Một tác giả của nó đã viết:
“Nó sẽ biến mất với tư cách một nền văn học lưu vong!”
Nếu ngày ấy có đến thì có gì phải lo sợ về một quy luật tốt lành. Một khi những người cầm bút ngoài nước thực sự đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước, chấn hưng dân tộc và chúng ta có một nền văn học Việt ngoài nước độc đáo là một bộ phận tài sản văn hóa dân tộc.
—————


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét