Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

NHÀ VĂN CHÂU LA VIỆT TẶNG SÁCH

Xin tặng sách “Chim vẫn hót lảnh lót giữa rừng”

  Gởi các đồng đội của tôi ở BT 11 và BT 13 Cục vận tải quân sự ( Mặt trận đường 7 Lào)
 Tiểu thuyết Chim vẫn hót lảnh lót  giửa rừng viết về những cán bộ chiến sỹ trên tuyến đường 7 anh hùng  những  năm tháng  kháng  chiến đã vinh dự nhận được sự đầu tư của Bộ Quốc Phòng và mới đây vừa được trao tặng giải thưởng  của Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật (VHNT), báo chí đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 5 năm (2009-2014) .
  Tôi- Tác giả Châu La Việt vốn là một chiến sỹ của  BT 11 và BT 13 Cục vận tải quân sự những năm tháng này. Tiểu thuyết  này tôi viết  bởi chính tình yêu vói các  đồng đội, với BT chúng ta ,với quân và dân hai nước Việt Lào anh em những năm ấy.Phần thưởng  mà tác phẩm có được từ chính các đồng đội thân thiết của tôi, từ chính quân đội anh hùng của chúng ta.Và bởi thế,dù số lượng sách không nhiều, tôi vẫn xin thông qua trang  web của một nhà văn đàn anh, cũng vốn là một cán bộ của Cục vận tải quân sự  và Tổng cục Hậu cần là nhà thơ Trần Nhương, xin giửi đôi lời tâm sự này và xin dành tặng các đồng đội năm xưa của tôi  , cũng như con cháu các anh em nếu như có mong  muốn tìm lại sự tích cha anh mình trên chiến trường đường 7 anh hùng - tập tiểu thuyết Chim vẫn hót lảnh lót giửa rừng
 Xin các đồng chí và các cháu nếu có yêu cầu liên hệ qua hộp thư : chaulaviet@gmail.com.  Tôi xin gửi tặng sách biếu đến tận địa chỉ theo thư yêu cầu.
 Xin cám ơn  nhà văn Trần Nhương đã giúp tôi thực hiện mong muốn này.
  Xin chúc các đồng chí luôn khỏe và tươi mãi với kỷ niệm những năm tháng đời lính đẹp đẽ nhất của cuộc đời chúng ta.
 Châu La Việt



Đọc “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”:
Tôi giật mình tưởng chuyện của đời mình

KHẮC TUẾ
(Nguyên đoàn trưởng Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị)

  NVTPHCM- Là người lính già như tôi, khi đọc “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, thú thật cả mười ba chương, không ít thì nhiều, chương nào tôi cũng có mình trong đó, thậm chí có đoạn tôi giật mình tưởng như tác giả biết cả chuyện của đời mình nữa?

 Tôi không chỉ đọc, mà còn xoay đi, trở lại những chương,  những đoạn và những dòng tâm đắc với những con người, những sự kiện mà nó chỉ vẻn vẹn trong hơn 100 trang sách khổ 13 x 20,5cm.Tuy chỉ có hơn 100 trang , nhưng nó lại “cõng” những 13 chương gồm cả lời nói đầu và đoạn vĩ thanh. Có chương như chương 3  chỉ lọt thỏm trong 3 trang sách mà nó ngồn ngộn biết bao sự sự kiện về con người, thế sự: hoàn cảnh chiến trường, tình bạn, tình mẹ con máu mủ ruột già… Hai nhân vật Huân và Tiến chính là hai nhân vật xuyên suốt câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết. Huân một chiến sĩ trẻ có hoàn cảnh đời riêng hét sức éo le: Cha, mẹ anh là hai nghệ sĩ tài danh từ thời đầu kháng chiến chống Pháp, khi hai người yêu nhau, chị mang thai thì anh hèn nhát bỏ trốn sang bên kia giới tuyến , thế là Huân mồ côi cha từ lúc đang còn là bào thai ! Câu chuyên thật này đã lan chuyền sự phẫn nộ khắp khu bốn một thời. Là những người được chứng kiến sự kiện này ở ngoài đời, nay bỗng nhiên bắt gặp Huân trong tiểu thuyết, tôi thật sự xúc động và nhân lên sự thương yêu quý trọng Huân. Cũng từ đây là chỗ vịn vào độ tin cậy tính chân thực của cuốn tiểu thuyết.

 Không cứ trong kháng chiến chống Mĩ, mà từ thời chống Pháp , các đơn vị từ trung đoàn trở lên đều có đơn vị thu dung, đơn vị này có nhiệm vụ thu thập các thương, bệnh binh, lạc binh, đào giã ngũ… Trong thời chống Pháp có anh lính đào ngũ, khi giác ngộ quay lại phấn đấu sau này đã lên đến cấp tướng giữ chức Phó Tư lệnh quân khu . Vì thế tôi đầy tin tưởng ở tính chân thực trong hai nhân vật Huân và Tiến đã thành đôi bạn tri kỉ khi gặp nhau ở đơn vị thu dung. Huân và Tiến có xuất sứ khác nhau: Huân ở Hà Nội, được học hết lớp 10, sống tự lập, khí phách; đào ngũ  và cũng tự giác quay về đơn vị chiến đấu lập công. Điều khẳng định tư chất của Huân là không dựa giẫm, không cơ hội, đó là thái độ dứt khoát không nhận lời về đội Tuyên văn của  Binh trạm, mặc dù có cái bóng của người mẹ là danh ca lẫy lừng từ bài ca khơi xa, hơn nữa lại có uy lực của người như cha đỡ đầu là Chính ủy Cao Dư! Nếu về Đội Tuyên văn dù cho vẫn trong vòng vây bom đạn của kè thù nhưng không ngày ngày sẵn sàng hứng bom đạn; cái khí phách của Huân là sẵn sàng hành động như Nguyễn Viết Xuân - nhằm thẳng quân thù mà bắn! Chính Huân đã từng ngày sẵn sàng đón nhận cái chết bằng cách chịu khó ra suối tắm để nếu có chết thì chết một cách sạch sẽ, thơm tho…

 Một anh lính cao xạ chơi thân với anh lính công binh có tên là Tiến bởi cùng “hội” đào ngũ nên cùng “thuyền” thu dung.Trường hợp đào ngũ của Tiến cũng do hoàn cảnh bất khả kháng, anh được tin mẹ ốm đau heo hắt vò võ một mình nơi quê nhà, mà tin lại quá dữ dằn là mẹ chỉ chờ gặp được con để mẹ thanh thản ra đi! Khi Tiến về, đút cháo cho mẹ, mẹ tỉnh dần trong vòng tay của con trai, ôi hạnh phúc quá, đầm ấm quá; nhân văn biết chừng nào?!

Tiến có một mối tình thật đẹp với Lan - cô gái  trẻ  trung xinh đẹp là nuôi quân của trạm thu dung , sau được tuyển về đội Tuyên văn, Lan mê Tiến bởi Tiến rất có phong độ của một người lính từng trải. Có lần Tiến trốn Huân đi theo ám hiệu tiếng chim hót của Lan ra bờ suối… Khi trở về,Tiến thành khẩn kể với Huân rằng vẫn chưa…hôn được. Đúng thế, con người chín chắn như Lan thì không dễ gì hôn ngay được, vì hôn được là cái hàng rào đột phá khẩu bị mở tung, nó tiến đến có con với nhau là trong giây lát ! Tiến ra về chỉ mang theo có tiếng chim chóp bóp. Khi đi theo ám hiệu của tiếng chim, lúc trở về cũng có tiếng chim, còn lúc ôm nhau chắc rít lên hơn cả chim. Phải chăng do cái nội hàn này mà tác giả đặt tên cho cuốn sách là”Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”?

 Điều thứ hai mà tôi tâm đắc là tác giả đã xây dựng rất thành công nhân vật Chính ủy Binh trạm Cao Dư.Trước hết là tính chân thực của nhân vật: Cao Dư là người trong muôn người, không phải cứ có chức có quyền là thét ra lửa, Cao Dư hiền lành, Cao Dư vị tha, Cao Dư được lòng trên nhưng không bao giờ mất lòng dưới; đối với đồng cấp là Binh trạm trưởng Trường Sinh thì anh cởi mở chan hòa, khơi gợi ở bạn để khai thác tối đa những sáng kiến trong chiến đấu và xây dựng đơn vị. Ngay từ buổi đầu gặp nhau giữa chiến trường mà ngồi với nhau quên ăn, cậu cần vụ can mãi mới chịu cầm bát đũa.

 Trường hợp với Huân, ngay từ buổi đầu, Huân có hành động bạt mạng, ngăn xe của Cao Dư đang hành quân đòi lên, người lái xe khó chịu nhưng Cao Dư bảo, cứ cho cậu ấy lên anh em mình cả ấy mà. Sau này Huân chiến đấu dũng cảm lập công to. Ngay lập tức Cao Dư biểu dương Huân. Và cứ thế mối quan hệ giữa anh lính cao xạ Huân với chính ủy Cao Dư từ cấp trên với cấp dưới trở thành  ruột thịt, thậm chí như cha con.

 Lãnh đạo được loại lính như Huân cũng là một kinh nghiệm quý báu cho công tác chính ủy của Cao Dư, ngược lại một người lính đầy cá tính như Huân gặp được một chính ủy có đức, có tài như Cao Dư thì người lính ấy như cá gặp nước… Huân là một con người trong ứng xử với Tổ chức, với cấp trên, với đồng đội thật kín nhẽ! Tôi nghĩ: Con người ta cần phải biết trăm điều, nghìn điều, vạn điều ,nhưng điều trước hết là phải sống biết điều thì Huân có điều cuối cùng đó!!!

 Là người lính già như tôi, khi đọc “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, thú thật cả mười ba chương, không ít thì nhiều, chương nào tôi cũng có mình trong đó, thậm chí có đoạn tôi giật mình tưởng như tác giả biết cả chuyện của đời mình nữa?

_____________
 (*) Tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng” của Châu La Việt, NXB Lao Động. Sách trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2014.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét