Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

TRÂN QUÝ MỘT NHÂN CÁCH


Nguyễn Vĩnh



Lứa chúng tôi gọi bác Trần Quang Cơ[1] một cách thân tình là anh Cơ. Cả hồi còn làm việc cũng như lâu nay anh nghỉ hưu; và ngay cả mấy năm gần đây ông già tuổi hạc quá nửa “bát thập” rồi thì chúng tôi vẫn cứ một cách xưng hô tình cảm như thế với anh. 

Trong bộ ngoại giao, anh Cơ nhiều năm liên tục giữ trọng trách, từ vụ trưởng, đại sứ, thứ trưởng, thứ trưởng thứ nhất (sau này gọi là thứ trưởng thường trực). Về đảng, anh là ủy viên trung ương từ 1986 đến 1994; và có thời điểm được Bộ chính trị dự kiến trao anh trách nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao thay ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ hưu “bất thường”. Nhưng khi đó anh Cơ một mực xin được “không đảm đương” chức vụ cao hơn này.

Anh Cơ còn có ý thức “nhường ghế” cho lứa anh em ít tuổi trong Bộ để mình lui dần về tuyến sau, yểm trợ lớp kế nhiệm, cho đến khi anh rút hẳn nơi hậu trường, rồi về nghỉ hưu hoàn toàn. Nói thế bởi đến đầu năm 1994, tại Hội nghị Đảng khóa VII giữa kỳ, anh Cơ đã tự nguyện xin rút khỏi BCH trung ương, được chấp nhận; và ngành ngoại giao khi ấy đã được bầu bổ sung một ủy viên trung ương trẻ hơn là thứ trưởng Lê Mai.

Cử chỉ và cách hành xử đó rõ là hiếm gặp ở những cán bộ lãnh đạo cao cấp khác. Tấm gương Trần Quang Cơ được mọi người trong ngành chúng tôi hết sức quý trọng và nể phục.
.
Bạn bè và đồng nghiệp đên thăm nhà ngoại giao lão thành Trần Quang Cơ
(ngày 20/4/2014). Tác giả Nguyễn Vĩnh đứng ngoài cùng bên phải. (Ảnh của tác giả)

THIÊN HẠ QUAN TRUNG QUỐC


Lê Vĩnh Trương



    Cách nhìn thế giới rất riêng biệt và đặc thù của người Trung Quốc từ cổ đại đến ngày nay có thể đúc kết thành một hệ thống quan điểm, vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan được gọi chung là thiên hạ quan.
    Những người Trung Quốc từ sơ khai tự gọi mình là Trung Hoa, Hoa Hạ sinh sống và tạo dựng một nền văn minh quanh hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử, họ cho rằng Trung Quốc là trung tâm vũ trụ chứ không chỉ là trung tâm thế giới (Thiên hạ-dưới trời, trong hoàn vũ).[1]Văn hóa Trung Quốc trong một thời gian dài huyền hoặc hóa người và linh thần[2], do vậy thiên hạ còn bao hàm mái nhà của người và thần linh trong đời sống tâm linh của người Trung Quốc.
    Từ nhà Tần đến nhà Thanh, tất cả các hoàng tộc, các triều đại trị vì Trung Quốc đều cho rằng mình có Thiên Mệnh, tức một sự bảo chứng của Ông Trời (Mandate of Heaven)[3]. Cuộc đấu tranh để dành lấy Thiên Mệnh này trải dài mấy ngàn năm giữa các dân tộc, các bộ lạc trồng trọt và du mục (The steppe and the sown). Thiên hạ quan của người Trung Quốc cũng không phải nằm ngoài ảnh hưởng của lý thuyết về số mệnh trời định này. Hoàng đế được gọi là Thiên tử, tất cả sản vật đất đai trong phạm vi dưới bầu trời đều là của Thiên tử, con dân cũng là tài sản của Thiên tử. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.
    Văn hóa xem người bên ngoài trung tâm là Man Di Nhung Địch[4] cản trở người Trung Quốc có một cái nhìn rộng và khoáng đạt ra ngoài bầu trời thiên hạ quan của họ. Từ đó họ có thói quen đối xử kỳ thị các sắc dân ngoại tộc, mà theo cách nhìn của Tocqueville là đánh giá tầng thấp (society lower data), không cho phép tinh hoa của dân thiểu số tham gia vào dòng chính của xã hội. Đáng lưu ý, trong 91 dân tộc thiểu số của Trung Quốc có các dân tộc như Hakka, Hmong và Việt Nam.[5]

    Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

    NỖI NIỀM TÁC PHẨM ĐỈNH CAO (1)


    Hoàng Quốc Hải

     

    TNc: Tham luận này nhà văn Hoàng Quốc Hải đọc tại Đại hội VII Hội Nhà văn VN. Mười năm trôi qua vẫn còn nguyên "nỗi niềm" ấy. Nhân ĐH IX sắp họp, trang nhà xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến của tác giả Vương triều sụp đổ....

    Tại sao văn học Việt Nam hiện nay không có tác phẩm đỉnh cao?
    Câu hỏi ấy đã bao hàm câu trả lời rồi. Thật ra trên thế giới không phải đã có nhiều quốc gia có nền văn học đỉnh cao. Và cũng không phải thời nào cũng có tác phẩm đỉnh cao.
    Châu Âu suốt ba thế kỷ ( XVII – XVIII – XIX ), nền văn học xuất hiện nhiều trường phái, đạt nhiều đỉnh cao chói lọi. Nhưng sang thế kỷ XX các đỉnh cao cứ thưa vắng dần, và chỉ còn lại những bình nguyên văn học.
    Nước ta không phải không có văn học đỉnh cao. Nhưng người mình thường có tư tưởng vọng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng xem trọng, của ta thì xem thường. Đã thế, người trong nghề lại không chịu thừa nhận ai, ngoài mình. Đó là đầu óc thiếu tự tin, nhưng lại nặng về vị kỷ. Lọai tư duy này làm con người trở nên bé mọn, và thường không được khách quan, sáng suốt.
    Mười năm (1932 – 1942) của Tự lực văn đoàn làm nảy sinh các trường phái văn học:
    - Lãng mạn.
    - Hiện thực phê phán.
    - Suy đồi. …
    Các trường phái này cọ sát nhau nảy sinh khá nhiều đỉnh cao văn học. Thế nhưng sự đánh giá của cả đương đại và hậu thế khá dè dặt, thậm chí không thừa nhận.

    Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

    TRẦN VĂN KHÊ


    Trần Nhương

     Kính viếng anh linh GS Trần Văn Khê

    Một khúc ca trù
    Một bài Dạ cổ hoài lang
    Một cây đàn kìm
    Một đời đam mê nhạc Việt

    Người yêu nước hơn cả người yêu nước
    Chẳng nhập siêu lí luận lằng nhằng
    Người mang điệu Quan họ đi bốn biển năm châu
    Người xuát khẩu tinh hoa đất Việt
    Chẳng cần chi chức nọ quyền kia
    Chẳng cần ai bốc thơm vĩ đại

    Lầm lũi một đời
    Đi bốn phương trời không cần ai tán tụng
    Khúc hát miệt vườn vang giữa Pa-ri
    Người nâng niu hồn Việt
    Người khăn xếp áo the
    Gảy đàn hát câu Vọng cổ

    Người sống trong Dân
    Mà Dân không xấu hổ
    Trần Văn Khê
    Trần Văn Khê
    Với Người muôn năm là hữu hạn…

    Hà Nội 24-6-2015

    TỰ DO THÔNG TIN: NỀN TẢNG CHO MỘT XÃ HỘI MINH BẠCH

    GS Nguyễn Minh Thuyết



    Đoàn Việt Nam trong buổi làm việc với ông
    Christopher Graham, Cao ủy Thông tin Vương quốc
    Anh, ngày 21/5/2015 (Ảnh do tác giả cung cấp)
    Thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân trong mọi lĩnh vực. Thông tin đồng thời cũng là “ô-xi của nền dân chủ”, như khẳng định của Chiến dịch Toàn cầu về Quyền tự do ngôn luận. Tự do thông tin - bao gồm tự do tìm kiếm, lưu giữ, truyền đạt và sử dụng thông tin dưới mọi hình thức - được coi là một trong những quyền cơ bản của con người.
    Trên thế giới, Luật Tự do thông tin đầu tiên ra đời ở Thụy Điển cách đây gần 300 năm, nhưng phải đến những năm 1990 mới phổ biến ở nhiều nước phát triển khác. Thậm chí ở Vương quốc Anh, một nước có nền dân chủ lâu đời, mãi đến năm 2000 luật mới được ban hành và năm năm sau mới chính thức có hiệu lực. Ở Việt Nam, một bộ luật tương tự dưới tên gọi Luật Tiếp cận thông tin cũng đang được soạn thảo theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
    Quyền lợi của cộng đồng là tối thượng
    Trong chuyến đi đến Vương quốc Anh mới đây nhằm khảo sát việc thực thi Luật Tự do thông tin (Freedom of Information Act), chúng tôi đã được chia sẻ những câu chuyện hết sức ấn tượng.

    Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

    "HỄ ĐỤNG ĐẾN VẤN ĐỀ "NHẠY CẢM" THÌ COI NHƯ CHẠM VÀO VÙNG CẤM"


    Vũ Ngọc Hoàng


    )
    (GDVN) - Lâu nay, trong chúng ta, đã và đang tồn tại một khái niệm, tạm gọi như vậy, về vấn đề “nhạy cảm”. Hễ đụng đến vấn đề “nhạy cảm” thì coi như chạm vào "vùng cấm"
    LTS: Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những chia sẻ sâu sắc của TS Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương về vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong hành trình phát triển đất nước.
    Nội dung này được TS Vũ Ngọc Hoàng trình bày tại Hội thảo quốc gia về Báo chí được tổ chức tại Báo Nhân dân, ngày 18/6.
    Báo chí có đóng góp rất lớn sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước
    90 năm qua, với các giai đoạn – trước khi có Đảng, từ khi thành lập Đảng đến cách mạng tháng 8, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ xâm lược và thời kỳ thống nhất đất nước, hòa bình xây dựng và tiến hành công cuộc đổi mới - báo chí cách mạng nước ta đã lớn mạnh không ngừng, góp phần trực tiếp và xứng đáng vào những thành công và thành tựu của đất nước, trong bảo vệ và xây dựng tổ quốc, phát triển con người Việt Nam.
    Từ việc khởi đầu vận động cách mạng, chuẩn bị thành lập Đảng, thức tỉnh cả một dân tộc, tập hợp toàn dân đứng lên làm cuộc cách mạng tháng 8 thành công, giành lại được một đất nước mà trước đó đã mất vào tay xâm lược, đưa một dân tộc từ nô lệ lên làm chủ, đưa một xứ An-Nam thuộc địa của phương Tây thành một quốc gia độc lập có tên tuổi vẻ vang trên thế giới, chiến thắng các đạo quân xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới đến từ phương Tây và phương Bắc.

    Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

    BIỂU TÌNH TẠI LIÊN BANG ĐỨC PHẢN ĐỐI TQ

    Anh Tú Tường

    Hòa cùng những tiếng nói vì hòa bình và công lý đang vang lên khắp nơi trên toàn thế giới, ngày 14-6-2015 tại Berlin - CHLB Đức hàng nghìn người Việt cùng những người nước ngoài đã xuống đường phản đối quyết liệt hành động lấn chiếm, xân dựng trái phép tại biển Đông của Trung Quốc.
    -
    Cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu từ quảng trường Alexansder Platz, trung tâm thủ đô Berlin, sau đó đi qua các con phố tiến về Đại sứ quán Trung Quốc.
    -
    Những người tham gia biểu tình đã dành một phút tưởng niệm những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
    -
    Cùng rất nhiều những tấm biểu ngữ bằng nhiều thứ tiếng: „Hoàn Sa – Trường Sa là của Việt Nam“, „Trung Quốc phải tôn trọng luật biển và công ước quốc tế“,… đoàn biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu tố cáo hành động gây hấn của Trung Quốc.
    -
    Ông Lê Hồng Cường - trưởng Ban tổ chức cuộc biểu tình, đã đọc lời phát biểu mở đầu, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh để chống lại những hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc tại biển Đông. Ông cho biết, có trên 40 hội đoàn người Việt và cá nhân từ khắp các vùng miền tại Đức đã cùng chung sức cho cuộc biểu tình, và đặc biệt có sự tham gia của cả những người thuộc các nước Đông Nam Á.

    Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

    LÀM BÁO NÓI LÁO ĂN TIỀN


    Nguyễn Trọng Tạo


    “Làm báo nói láo ăn tiền”, đó không phải chữ của tôi mà là chữ của nhà báo “kiệt hiệt” Vũ Bằng trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” (1969) của ông.

    Lâu nay tôi chỉ nghe câu “nhà văn nói láo (hư cấu) nhà báo nói ngay” chứ chưa nghe “nhà báo nói láo” bao giờ. Nhưng khi đọc xong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của nhà văn nhà báo Vũ Bằng, tôi mới ngộ ra rằng, đó chỉ là cách nói phiếm chỉ của ông – một người làm báo chân chính – đối với không ít “nhà báo nói láo ăn tiền” thời nào cũng có. Đó là những người mang danh “nhà báo” nhưng chỉ là bồi bút, cơ hội, xuyên tạc sự thật để cầu danh hưởng lộc.

    Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

    GÓC CHIẾU QUÊ


    Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi
    Đỗ Trọng Khơi

    Tôi đang làm một tập bình thơ, bình các bài thơ hay cổ/cận và hiện đại. Trong tập tôi dành một phần nhỏ, cuối tập chọn/bình 5 thi phẩm của 5 tác giả đương đại quê Thái Bình. Xin trân trọng gt cùng bạn đọc).

    THƯỜNG DÂN
    Đông thì chật, ít thì thưa
    Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
    Quanh năm chân đất đầu trần
    Tác tao sau những vũ vần bão dông
    Khi làm cây mác cây chông
    Khi thành biển cả khi không là gì
    Thấp cao đâu có hề chi
    Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi
    Ăn của đất, uống của trời
    Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
    Ồn ào mà vãn lặng im
    Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn
    Chỉ mong ấm áo no cơm
    Chắt chiu dàng dụm thảo thơm ngọt lành
    Hoà vào tời đất mà xanh
    Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
    NGUYỄN LONG

    KỈ LỤC MỚI CHO HÀ NỘI


    Nhị Tiến- Thúy Hạnh

     

    TNc: Dù nhiều thiệt hại nhưng cũng cảm ơn Trời mà lộ mặt những kẻ làm ăn gian dối. Hà Nội lại thêm một "kỉ lục" buồn....

    Cây bật gốc trong dông lốc, lộ cách trồng rất... lạ

    - Cơn mưa dông cực lớn bất ngờ đổ ập xuống Hà Nội vào khoảng 17h ngày 13/6, khiến nhiều cây xanh đổ la liệt trên các tuyến phố. Tuy nhiên, sau cơn dông này, người ta cũng tình cờ phát hiện cách trồng cây rất "lạ" ở Thủ đô...

    Đường phố Hà Nội như vừa trải qua một trận bão, các tuyến phố cây đổ ngổn ngang, các đơn vị chức năng cùng người dân thu dọn thiệt hại sau trận mưa dông chiều tối 13/6. 

    Trong số những cây xanh bị đổ trong cơn dông lốc người dân thủ đô hết sức chú ý đến loạt cây xanh mới được trồng trên các tuyến phố.
    Một số cây mới trồng (gỗ mỡ) thay thế trên nhiều tuyến phố cũng bị đổ la liệt. Chính những cây này khiến người dân hết sức ngạc nhiên sau khi dông lốc đi qua.
    Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại phố Lê Duẩn (ven công viên Thống Nhất) có hai cây xanh được cho là gỗ mỡ đổ ngổn ngang cùng hai cây xà cừ cổ thụ. Điều ngạc nhiên là, phần gốc hai cây này vẫn được bọc kín bằng lưới và buộc bằng những sợi dây gai đỏ...
    PV VietNamNet đã ghi lại một số hình ảnh các cây mới được trồng gần đây:
    dông lốc, cây đổ, vàng tâm, cây xanh
    Các gốc cây mới được trồng trên phố Lê Duẩn, khi bật gốc để lộ ra nguyên một bọc vẫn được buộc chằng.

    Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

    ỦY VIÊN TƯ ĐẢNG BÀN VỀ SỰ BÓC LỘT VÀ THÂU TÓM QUYỀN LỰC

    TS Vũ Ngọc Hoàng


    Nếu không ngăn được “nhóm lợi ích”, Đảng chân chính sẽ không còn và Nhà nước sẽ biến chất, dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt quyền lực và tài sản của cải, xã hội sẽ không có dân chủ và tự do, không có bình đẳng.
    LTS: Dưới đây là bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đăng trên Tạp chí Cộng sản. Tuần Việt Nam đăng tải lại và giới thiệu đến bạn đọc.
    Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”. Bởi vì, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) sẽ làm cho sự phát triển của đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu và tổn thất nghiêm trọng; nhân dân bị tước đoạt quyền lực và lợi ích; thành quả cách mạng và chế độ chính trị - xã hội không được bảo vệ, dẫn đến đổ vỡ.
    Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ cho lợi ích chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn là mục tiêu và động lực đối với hoạt động của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy, thì sự lãnh đạo và quản lý xã hội không thể thành công, mà trước sau gì nhất định cũng sẽ thất bại.
    Ngược lại, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) thì mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”.

    ANH CU ĐA


    Nguyễn Quang Lập


    Những năm 1965- 1975 nhà mình sơ tán ở làng Đông. nhớ nhiều người nhưng nhớ nhất anh Đa. Bây giờ kể chuyện anh Đa thôi, vì anh này hay nhất trong kí ức của mình về cái làng này.
    Anh Đa lùn, đen, xấu. Anh Di nói cái mặt thằng Đa chành bành giống cái l. trâu. Anh sống với mẹ già, sau mẹ chết anh ở một mình. Nhà nghèo quá, 24, 25 tuổi rồi hỏi cô nào cũng bị chê.
    Là con liệt sĩ, lại con một, anh khỏi đi bộ đội. Con trai trong làng ai lớn đều đi bộ đội hết, còn lại dăm ba anh tuổi như anh thôi, chỉ có anh là chưa vợ.
    Mẹ anh khóc lên khóc xuống , anh vẫn chẳng quan tâm đến chuyện vợ con. Cho đến khi mẹ anh chết anh vẫn độc thân.Mình hỏi anh sao anh không lấy vợ. Anh nói tao để vậy để đàn bà nó thèm.
    Anh nơm cá cực tài, cầm nơm úp nhoay nhoáy, hễ dừng lại mò là y như có một con cá to. Nghe tiếng đóng thành nơm, anh biết chắc cá nhỏ hay to, ngon hay dở để dừng lại bắt hay không. Chẳng bù cho mình, úp úp mò mò, tóm lại chỉ vài con cá diếc, cá rô. Một lần úp nơm, bao giờ xâu cá của anh cũng dài nhất, đầy những con cá ngon, đắt tiền. Mình dân Thị Trấn lên, thấy thế thì thích lắm, bám theo anh suốt ngày.
    Anh chỉ làm hai việc: đi đập lúa thuê và nơm cá bán lấy tiền. Cứ mùa lúa là anh đi đập lúa cho các gia đình có chồng con đi vắng, một đêm đập lúa được trả vài lon gạo. Thế cũng đủ sống, lại được tiếng giúp đỡ gia đình neo đơn.

    Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

    NGUYÊN HỒNG VỀ NHÃ NAM

    Tô Hoài



    Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) sinh ở Nam Định, lớn lên và thành danh ở Hải Phòng nhưng ông sống lâu nhất là ở Nhã Nam, Bắc Giang, suốt 23 năm, từ năm 1959 đến khi mất năm 1982. Đây là nơi ông sáng tác hai bộ tiểu thuyết đồ sộ “Cửa biển” và “Núi rừng Yên Thế”. Đây cũng là mảnh đất Nguyên Hồng chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Nhân kỷ niệm 97 năm sinh Nguyên Hồng, xin trích giới thiệu phần viết về nhà văn vĩ đại này trong hồi ký “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài. Đây là phần viết về những ngày tháng khó khăn của Nguyên Hồng sau vụ Nhân văn giai phẩm, khi ông quyết định cùng gia đình rời Hà Nội trở về sinh sống ở Nhã Nam, thể hiện sự khảng khái và phẩm chất trong sáng tuyệt vời của người nghệ sĩ lớn.

    Báo Văn mà Nguyên Hồng phụ trách đã in trong nhiều số có những sáng tác còn khó chịu nữa. Kịch ngắn gợi lại vết thương cải cách ruộng đất những vở kịch của Hoàng Tích Linh ( Cơm mới), Nguyễn Khắc Dực (Chuyến tàu xuôi), Chu Ngọc (Ngày giỗ đầu). Ca khúc buồn bã và những phát biểu lệch lạc về âm nhạc của Tử Phác, của Nguyễn Văn Tý. Rồi thơ Phùng Quán (Lời mẹ dặn), truyện ký Phan Khôi (Ông năm Chuột) và truyện ngắn Đống máy của một cây bút trẻ gửi đến. Truyện tả một nhà máy nhập thiết bị nước ngoài rồi để chất đống ngoài trời đến hỏng nát. Người ta truy ra người viết là một kỹ sư và quy là anh nói xấu công nghiệp ta và tình hữu nghị quốc tế.

    Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

    LỜI NGƯỜI XƯA NHƯ VĂNG VẲNG BÊN TAI


    Bùi Hoàng Tám


    (Dân trí) - Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ người dân Việt Nam phải chịu nhiều thứ phí và lệ phí như bây giờ. Cách đây hơn 700 năm, khi được vua Trần Anh Tông hỏi về quốc sách giữ nước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên: “(Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”...
    >> Phí và lệ phí, cái gì cũng thu, dân chịu sao nổi?(Minh họa: Ngọc Diệp)

    (Minh họa: Ngọc Diệp) >>>>

    Những ngày qua, trời Hà Nội nóng như chưa từng thấy. Trong nghị trường, dù máy điều hòa chạy ro ro nhưng cũng trở nên nóng bỏng vì Quốc hội đang thảo luận về một vấn đề nóng không kém thời tiết Thủ đô, đó là Dự thảo Luật phí và lệ phí.
    Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ người dân Việt Nam phải chịu nhiều thứ phí và lệ phí như bây giờ.
    Thôi thì đủ loại phí, lệ phí từ việc nhỏ đến việc lớn nâng tổng danh mục lên tới con số gần 100 (chính xác là 90 khoản trong đó 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí).
    Tại phiên thảo luận “nóng bỏng” này, nhiều đại biểu đã chỉ ra những loại phí và lệ phí rất vô lý.
    ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, việc thu phí môi trường hiện nay là không phù hợp đối với ngư dân. “Ngư dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường. Có quá nhiều điều vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”. Ông Lịch nói.

    Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

    NHẬN DIỆN VÀ NGĂN CHẶN LỢI ÍCH NHÓM (kì 1) ĐÁNG BÁO ĐỘNG


    Theo TS Vũ Ngọc Hoàng (Tuổi Trẻ)


    Đăng Bởi 
    loi ich nhom
    Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương.

    "Mổ xẻ” về lợi ích nhóm để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề lớn này, Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, đăng trên báo Tuổi trẻ sáng 2.6.2015.

    Hiện nay, lợi ích nhóm và hoạt động của nhóm lợi ích ở Việt Nam đã và đang diễn ra tại nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong các vị lãnh đạo cấp cao, người đầu tiên công khai và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với lợi ích nhóm ở nước ta là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã phát biểu tại Hội nghị trung ương 3 (khóa XI) và sau ông, một vài vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cũng có nói đến, mặc dù chỉ mới thoáng qua và nói chung, chưa có chỉ đạo quyết liệt trong việc ngăn ngừa, phòng chống lợi ích nhóm.

    Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

    "QUỐC HỘI ĐANG NỢ DÂN MỘT NGHỊ QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG"


    Thế Kha - Tuấn Hợp (thực hiện)

    Dân trí “Chúng ta phải coi vấn đề ở Biển Đông bây giờ là vấn đề số 1. Sự kiên nhẫn của nhân dân Việt Nam có giới hạn của nó, không thể kiên nhẫn tới mức hạ mình. Lịch sử dân tộc Việt Nam không có thói quen như vậy”.


    Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương (Ảnh: Tuấn Nam).

    <<< Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương (Ảnh: Tuấn Nam).
    Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương - người nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù” - đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với PV Dân trí.
    Phóng viên: Xin hỏi cảm xúc của ông thế nào khi theo dõi những thông tin liên tiếp về các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là việc điều các hệ thống vũ khí, trong đó có cả những mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới tới đảo Hải Nam và sẵn sàng đáp trả vũ lực nếu Mỹ và các quốc gia khẳng định chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục yêu cầu nước này chấm dứt các hoạt động cải tạo? Thậm chí gần đây nhất, hình ảnh do máy bay trinh sát của Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc còn mang cả hệ thống pháo tới đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trái phép trên Biển Đông để kiểm soát các đảo kế cận?