TNc: Ngày 6-10-2015, Nhật Tuấn đột ngột ra đi. Thế là đến giỗ đầu Nhật Tuấn đây rồi, người "Đi về nơi hoang dã" sao mà nhanh vậy ! Nhân ngày này, trang nhà xin giới thiệu bài viết của Huy Thắng - một người bạn nhiều gắn bó với Nhật Tuấn.
( Nhân một năm ngày mất của Nhật Tuấn 6- 10 - 2015 / 6- 10- 2016 )
Trong những nhà văn quen biết, gần gũi, Nhật Tuấn là gương mặt để lại trong tôi nhiều ấn tượng.
Là nhà văn người Hà Nội gốc nhưng tính cách Nhật Tuấn lại rất mạnh mẽ, quyết liệt. Cả trong văn chương và con người. Khi đã thân thiết chúng tôi mới rõ là ngay từ những năm 1946, 1947 hai đứa đã từng học chung một lớp tại trường tiểu học Hàng Vôi. Hơn nữa có thời gian lại cùng sống trong con ngõ nhỏ Tạm Thương, giữa phố Hàng Bông, hai nhà đối diện nhau.
Không biết có phải Nhật Tuấn đã làm quen với văn chương ngay từ những ngày đó vì có người anh ruột là nhà văn Nhật Tiến cùng lứa bạn bè như Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, Dương Vi Long, Băng Sơn, Hoàng Thái…những tên tuổi văn học trẻ hiếm hoi ngày đó thường gặp gỡ bàn chuyện văn chương tại nhà những ngày Hà Nội còn chưa giải phóng.
Nhật Tuấn được bạn đọc chú ý, đánh giá cao ngay từ những tác phẩm đầu tay xuất hiện trên tuần báo Văn Nghệ- cơ quan của hội nhà văn Việt Nam khoảng đầu những năm bẩy mươi của thế kỉ trước, mà tiêu biểu là những truyện ngắn mà sau này liên tục được tái bản như “ Trang mười bẩy’, “Con chim biết chọn hạt “, “ Ngôi nhà đang lên tầng “, “ Nhịp triều “…Nhân vật trung tâm trong các truyện ngắn của Nhật Tuấn thường là những cô gái, những chàng trai có học, mơ mộng, trong sáng, lãng mạn luôn khao khát vươn lên đòng góp cho xã hội bằng khoa học kĩ thuật, bằng tâm hồn trong trẻo, thảo thơm. Sau này các nhân vật và đề tài được mở rộng hơn . Nhiều vấn đề xã hội được anh khai thác đến tận cùng. Nhật Tuấn rất giỏi trong chọn chi tiết. Cho đến tận bây giờ cho dù bốn mươi năm qua đi tôi vẫn không thể nào quên cái chi tiết trong một truyện ngắn của anh ngày ấy. Đại thể, vì để có cớ triệt hạ nhau mà cái anh cán bộ cùng cơ quan kia đã kiên trì nhiều ngày đêm liền đã rình “ kẻ thù “ mỗ khi đi vệ sinh xong liền lập tức lẻn vào “ chuồng chồ “ ( bây giờ gọi là nhà vệ sinh mà Nhật Tuấn đã dùng theo cách gọi của ngày ấy ) nhẫn nhục, kiên trì khều trong đống giấy vừa được làm xong nhiệm vụ cố để tìm xem có ghi lại những gì nghi vấn để lấy cớ đem báo cáo cấp trên.
Chỉ một chi tiết mà như vẽ lên được những khốc liệt của con người và cuộc sống cả một thời.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình Nhật Tuấn ngày ấy nằm bên con hông nhà thờ lớn Hà Nội luôn là địa điểm hẹn hò của nhóm văn chương trai trẻ mà anh thường tự gọi là “ nhóm chân đất “với các cái tên tuổi như Chu Hoạch, Lê Huy Quang, Lê Xuân Đố, Hoàng Hưng…v.v..người còn, người mất mà đến nay hầu như đều đã thành danh.
Nhật Tuấn đã trải qua nhiều công việc, đi nhiều nơi, làm nhiều nghề. Anh từng là công nhân làm đường, bộ đội trinh sát, công binh, cán bộ văn hóa, làm khoa học kĩ thuật rồi cuối cùng chuyển hẳn sang con đường văn chương. Anh đã từng làm biên tập viên nhà xuất bản Văn Học. Sau này chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm cán bộ biên tập sau là giám đốc chi nhánh nhà xuất bản Văn Học tại thành phố. Dù bận rộn nhưng Nhật Tuấn vẫn không ngừng viết và vẫn trung thành với thể loại truyện ngắn. Ngày vào Sài Gòn, bên các truyện ngắn Nhật Tuấn còn viết truyện dài, tiểu thuyết. Vào thập niên tám mươi, chín mươi tiểu thuyết của Nhật Tuấn ra đều đều. Có năm như năm 1987 Nhật Tuấn liền lúc cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết như “ Biển bờ “, “Lửa lạnh “, “ Tín hiệu con người “ và bán chạy. Ban đầu tôi thắc mắc, anh lấy thời gian đâu. Nhật Tuấn theo tôi biết là típ người ham chơi. Anh bia rượu ít, thuốc lá đốt một dạo nhưng rồi sợ bệnh nên bỏ, cờ bạc hoàn toàn không. Nhưng có đam mê quyến rũ, tiêu tốn của anh khá nhiều thời gian và tiền bạc nhưng anh cũng không thể dứt bỏ.
Nhật Tuấn là người quảng giao, lắm bạn bè. Ngay những ngày còn công chức, lại cương vị quản lý bận họp hành, tiếp cộng tác viên, kí kết hợp đồng hay trực tiếp đến nhà in để sửa những cuốn sách mà anh trực tiếp biên tập còn tất cả thời gian còn lại anh đều dành cho bạn bè. Ngày mới từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh còn tá túc tại văn phòng chi nhánh xuất bản anh chỉ có một thân một mình, căn phong của anh luôn ồn ã tiếng bạn bè. Không chỉ mình tôi mà hầu như có bạn là anh dành tất cả cho bạn, tính ham vui, mà bạn bè ai anh cũng như nể nang tiếp đón rất nhiệt tình, nhất là các bạn văn chương từ Hà Nội vào, mất rất nhiều thời gian vậy mà sách mới của anh vẫn ra đều đều. Thi thoảng ghé qua các hiệu sách lại thấy thêm sách mới của Nhật Tuấn tôi cứ thắc mắc anh viết vào lúc nào. Mỗi lần có dịp công tác thành phố Hồ Chí Minh tôi thường ngủ lại nơi anh ngày ấy đang nghỉ ngay tại cơ quan nhà xuất bản đường Nam Kì khởi nghĩa gần cầu Công Lý tôi mới rõ. Một lần, hai chúng tôi về đã khuya tôi bảo anh cùng đi nghỉ nhưng anh nói tôi cứ ngủ trước. Khi tôi đã thoải mái duỗi thẳng chân tay trên giương khoan khoái thì anh đi tắm, sau đó cứ cởi trần , quần đùi ngồi bên chiếc máy chữ nhỏ xíu, xếp các tờ giấy pơ luya đã ố vàng xen các tờ giấy than ngay ngắn, bằng bặn rồi kẹp vào máy. Và anh gõ liên tục. Tiếng lóc cóc kiểu mổ cò ban đầu làm tôi khó ngủ nhưng lúc sau mệt quá tôi thiếp đi lúc nào. Gần sáng khi tiếng xe máy ngoài con hẻm ầm ỹ qua lại khiến tôi tỉnh dậy thì anh mới đi nằm. Trên bàn cạnh chiếc máy chữ nhỏ xíu là một xếp bản thảo đã được anh ngồi gõ suốt đêm qua, dễ có tới cả gần chục trang.
Tôi biết, mỗi nhà văn có một cách làm việc riêng, nhất là khi viết tiểu thuyết. Có người thường làm một bản đề cương rất chi tiết, lại chia thành từng chương hồi . Mỗi nhân vất đều được kèm theo một bản sơ yếu lí lịch khá tỉ mỉ…còn Nhật Tuấn thì khác. Hình như khi viết anh không có thói quen chuẩn bị gì nhiều. Cảm giác dù có chuẩn bị trước nhưng có lẽ chỉ khi ngồi bên bàn máy anh mới vừa nghĩ, vừa đánh máy. Khi ấy nhân vật và câu chuyện như mới bắt đầu dẫn dắt các mạch suy nghĩ của anh, thậm chí có khi hoàn toàn lái đi theo hướng khác hẳn những dự kiến ban đầu. Nhật Tuấn bảo, chính anh cũng không cắt nghĩa được. Thôi thì cứ theo mạch cảm xúc. Cứ như một kẻ mọng du.
Nhật Tuấn như không viết ráp. Những bản thảo đánh máy ban đầu so với sách sau này được in ra gần như hoàn toàn không khác nhau.
Ở ta nhà văn thường khó có thể sông được hoàn toàn bằng nghề văn nhưng với Nhật Tuấn thì khác. Anh là một trong hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay, nhà văn đã sắm được ô tô, biệt thự ngay từ cách nay đã vài chục năm. Anh viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, kịch bản phim, rồi viết báo , viết tạp bút…và đều rất hấp dẫn. Hồi anh viết chuyện vụ án mục đích kiếm tiền nhưng cũng mang dấu ấn riêng. Rất bận rộn. Tôi từng chứng kiến có dạo có những tay “ đầu nậu “ bay từ Hà Nội vào đặt anh viết cả một sê rii để họ in dần và ứng trước cho anh khá bộn tiền nhưng anh cũng đã từ chối.
Sách của Nhật Tuấn đã được bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc biết. Tiển nong thì anh cũng dư dả. Nhưng Nhật Tuấn vẫn cần mẫn viết như không hề ngưng nghỉ. Anh viết vì những đau đáu, đam mê và từ những thôi thúc trước nhân tình thế thái. Một nơi mà anh có thể bộc lộ cảm xúc và thái độ.Vì thế truyện anh viết ra luôn làm người ta khắc khoải.
Nhật Tuấn viết rất dễ dàng, cứ như mọi vật đã có sẵn chỉ cần anh móc trong túi để lấy ra. Nhiều khi tên nhân vật anh cũng từ bất chợt lấy phải tên một người quen biết nào đấy. Những sự việc trong truyện có được trong mối quan hệ xã hội, có khi là bạn bè, khi là gia đình là cơ quan. Tất nhiên tên người, sự việc trong truyện của anh chỉ là cái cớ để anh sáng tạo nhưng đôi khi cũng từng gây không ít những phiền phức, thắc mắc. Có người còn khẳng định anh viết có những chuyện nhằm nói xấu người này, ám chỉ người khác mà anh không ưa hoắc có điều gì làm anh phản ứng. Điều này có lẽ phải hỏi chính tác giả mới rõ hư thực.
Nói chung, truyện của Nhật Tuấn dù chỉ là những mẩu ngắn, tưởng như bông phèng không đâu nhưng tác giả đã luôn mang đến cho người đọc những cảnh tỉnh xã hội rất sâu sắc. Nhật Tuấn là người của đường phố, của mọi người. Giầu hay nghèo, sang hay hèn, một quan chức tên tuổi hay một người bình thường…anh đều quan hệ một cách thoải mái, bình đẳng. Qua đó giúp anh có thêm tư liệu để viết. Nhật Tuấn viết tưng tửng, khách quan nhưng người đọc dễ dàng nhận biết thái độ của anh, hoặc cảm thông, thương yêu hay khinh bỉ, căm ghét. Anh không mang cái tôi chủ quan hoặc áp đặt mà để người đọc tự nhận biết vì anh như đã hóa thân vào nhân vật chứ không phải như một kẻ xa lạ đứng ngoài. Vì vậy những trang viết của Nhật Tuấn luôn mang đậm chất xã hội, thấm đẫm tình người.
Nhật Tuấn là người thẳng thắn. Anh dám thẳng thắn ngay với cả chính mình. Như anh thú nhận, không dấu diếm, không che đậy rằng mình là kẻ lăng nhăng, yêu đương dắt dây. Cái làm nên sự hấp dẫn trong anh, ngoài tài năng một phần chính từ đây.Anh sông thế nào thì phơi bầy ra thế ấy. Không rao giảng, dạy dỗ đạo đức giả. Với những người vợ chính thức thì anh rất nhớ, ngay cả những mối tình với những người đàn bà đã từng đi qua đời anh, lâu hay mau anh cũng không quên. Như tất cả đã đóng đinh trong trái tim anh. Với những mối tình của Nhật Tuấn có người lên án anh gay gắt, thậm chỉ trước mặt anh rằng anh là kẻ lăng nhăng. Nhưng có lẽ con người anh, tưởng băm bổ cứng rắn vậy mà thật ra rất mong manh, yếu đuối. Gặp người con gái nào hấp dẫn anh, anh cũng thấy ra những nét đẹp, những cái đáng yêu nơi họ. Dường như chính là anh chứ không phải họ đã mất công chinh phục. Vào cuộc yêu anh đầy mê đắm, vật vã, đau khổ. Nhưng khi đã khám phá tất cả bí ẩn nơi nhau thì anh là người bỏ chạy trước. Anh như không quen với những nhàm chán, sự lặp lại. Nếu có trách thì trách anh quá tự tin, quá kiêu hãnh luôn ham muốn chiếm đoạt một cách ích kỉ để sau những những phút mặn nồng, mê đắm là sự vỡ vụn, gây đau khổ cho không phải chỉ một phía. Và vì thế mà Nhật Tuấn đã phải trả giá khá đắt cho những mối tình đã lần lượt đi qua đời anh. Nó không chỉ làm hao tổn thời gian và sức lực. Nếu không trong bộ nhớ máy tính cá nhân của anh còn chất thêm không biết bao nhiêu trang viết. Và chắc chắn độc giả sẽ còn được thêm biết bao “ Trang 17 “ hoắc “ Đi về nơi hoang dã “
Nhưng có ai đó nói, nếu Nhật Tuấn không thế thì sao anh có thể viết nên “ Những mảnh tình đã vỡ “ xúc động đến thế.
Dến đây tôi lại chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Liên Xô nổi tiếng Pau-tốp-xki : Để trở thành một nhà văn hay, trước hết phải là một con người hấp dẫn và từng trải. Nếu không thế thì chẳng làm được tích sự gì.Bản thân nghề nghiệp viết văn buộc nhà văn phải sống một cuộc sống không bình yên, can thiệp vào nhiều lĩnh vực khác nhau của hiện thực, gặp gỡ đủ loại người, đi đến mọi ngõ ngách , mọi miền đất nước…”
Việc viết văn với Nhật Tuấn như là một định mệnh không thể cưỡng. Anh thường tâm sự :” Văn chương với tôi là cách vượt thoát duy nhất khỏi những cảnh ngộ “ chân tường “ mà thường tôi bị dồn tới. Tôi luôn phải cảm ơn số phận đã luôn trợn mắt lên với tôi . Nhờ những quả đắng mà nó thường mang tới, tôi luôn phải bám chắc lấy nghiệp chữ nghĩa. Bởi lẽ không còn văn chương nữa tôi biết trò chuyện cùng ai ? “
Nên cả cuộc đời anh như hoàn toàn dành cho chữ nghĩa. Và Nhật Tuấn đã để lại những giá trị văn chương đích thực.
Trong những tác phẩm đáng chú ý của Nhật Tuấn trước hết phải nói tới : ” Đi về nơi hoang dã “. xuất bản năm 1988 và được tái bản nhiều lần, cả trong nước và nước ngoài. Nhà văn Trần Hoài Dương cho rằng với tiểu thuyết này Nhật Tuấn có công lớn là đã đưa được tư tưởng thời đại vào tác phẩm của mình, điều mà văn học nước ta ngày đó luôn thiếu vắng. Nhưng số phận cuốn sách như bị chìm khuất. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học tuy nói rất nhiều đến những thành tựu văn học trong thời kì đổi mới nhưng gần như không nói tới “ Đi về nơi hoang dã “ để mãi gần hai mươi năm sau nhà văn Văn Chinh mới có một bài nghiên cứu, phê bình đăng trên báo Văn Nghệ đã nhận xét một cách thẳng thắn: …tiểu thuyết :” Đi về nơi hoang dã “ trong thành tựu 20 năm đổi mới của văn xuôi Việt, tôi thấy nó là một trong mấy cái đỉnh nhô lên khỏi nên chung đã không ngừng cao lên. Không có tên trên bản đồ tiểu thuyết với những :” Thời xa vắng “, “ Nỗi buồn chiến tranh “, “ Bến không chồng “, “ Mảnh đất lắm người nhiều ma “ v.v…nhưng tôi thấy “ Đi về nơi hoang dã “ là tiểu thuyết hay hơn cả so với các cuốn sách trên…
Những nhận xét, đánh giá thẳng thắn khách quan đầy trách nhiệm của Văn Chinh không phải không gây lên dư luận. Có những phản ứng khác nhau để rồi người ta tìm đọc và có cách nhìn chính xác, công bằng về cuốn tiểu thuyết giá trị này.
Tài năng của Nhật Tuấn còn ở cách viết, cách kể. Văn của anh hấp dẫn và sâu sắc. Bất luận dài ngắn thì người đọc cũng luôn bị cuốn hút từ đầu đến cuối, khó có thể dừng lại khi mới đọc nửa chừng. Ta có thể bật cười hoặc ứa nước mắt trước từng cảnh ngộ, những tình huống, những chi tiết mà những nhân vật của Nhật Tuấn đang lâm vào. Trong tiểu thuyết “ Đi về nơi hoang dã “ chỉ vỏn vẹn có năm nhân vật, một người đàn ông có tuổi và bốn chàng trai gồm đủ thành phần, từ thành thi đến nông thôn, giầu và nghèo, có học hay thất học, ý thức hay không ý thức ngày đêm vất vả lao động trên một quãng đường rừng heo hút, nhưng qua đó hiện ra cả một xã hội thời chưa xa chúng ta. Một xã hội với những con người cùng những lý tưởng ngây thơ trong trẻo cùng những thực tế tàn nhẫn., khắc nghiệt.
Nói chung, truyện của Nhật Tuấn dù là những câu chuyện tưởng như bông phèng, không đâu nhưng tác giả luôn đem đến cho người đọc những cảnh tỉnh xã hội. Đóng góp của Nhật Tuấn với văn chương nước ta là không nhỏ.
Ooo
Khoảng đầu năm 2000, qua một người quen, Nhật Tuấn từ Sài Gòn lên Bình Dương hỏi mua đất. Chuyện đất đai giữa thời buổi lạm phát, giá cả cứ lên ầm ầm thì có vẻ mua nhà đất là cách giữ tiền tốt nhất, khôn ngoan nhất. Nhật Tuấn mua rất nhanh một miếng đất 2000 m2. Mảnh đất ấy mà ở Sài Gòn hay Hà Nội thì bỏ rẻ cúng cả triệu đô, nhưng Nhật Tuấn chỉ phải bỏ ra có vài chục triệu nội tệ.
Tiếng là đất Bình Dương, cửa ngõ Sài Gòn nhưng từ thị xã Thủ Dầu Một lên đến chỗ Tuấn mua cũng phải thêm vài chục cây số. Ngày ấy dọc hai bên đường chỉ lác đác người còn lại là bạt ngàn cao su. Mảnh đất của Nhật Tuấn lại càng heo hút. Ban ngày đã yên ắng còn đêm đến, nói dại gặp cơn đau bụng hay tim mạch có vấn đề gì thì họa có mà trời giúp
Hỏi, ban đầu Nhật Tuấn chỉ cười giải thích, thì vừa bán căn biệt thự Gò Vấp, dư tiền thấy đất rẻ thì mua rồi từ từ tính. Tưởng thật,nhưng thực ra trong đầu Nhật Tuấn đã có ý đồ. Rồi ngay năm sau đã thấy Tuấn thuê thợ bao tường rào xây nhà xong xuôi vợ chồng chuyển đồ đạc rời thành phố. Cô vợ trẻ người An Giang theo chồng nhưng cũng chỉ được ít ngày không chịu nổi cảnh hoang vắng rừng núi nên kiếm lí do để xin trở lại thành phố. Nhật Tuấn cũng không giữ, anh đưa vợ trở lại căn hộ hai tầng ở đường Nguyễn Kiệm rồi quay lên, một mình nơi vùng đất cao su xa lạ. Tài sản đem theo lúc đó chỉ có một bộ bàn ghế, ít quần áo, một bức tranh chân dung thiếu nữ do họa sĩ Lưu Công Nhân tặng và không thể thiếu một chiếc Lap tốp. Gần như Nhật Tuấn suốt ngày đêm bên chiếc máy tính. Đấy cũng chính là lý do mà cô vợ trẻ viện cớ: Thì anh ấy chỉ biết có máy tính chứ đâu biết có vợ ở bên.
Bây giờ thì việc mua đất của Nhật Tuấn đã rõ. Lên rừng núi xa xôi hẻo lánh hẳn được yên tâm. Sài Gòn lắm quyến rũ, bạn bè nhiều bao cám dỗ…mất hết thời gian, lại bực bội nữa. Ba bốn giờ sáng đã ầm ầm tiếng xe máy đánh thức dân hẻm. Mà Nhật Tuấn vào giờ đó mới tắt máy đi nằm.
Trong cả ngàn nhà văn ở nước ta có lẽ ngoại trừ nhà văn Sao Mai là người đầu tiên dám bỏ thủ đô đem cả gia đình lên rừng núi Phú Thọ sống lâu dài thì có lẽ Nhật Tuấn là người thứ hai. Nhưng Nhật Tuấn đáng nể hơn bởi nhà văn của “Thôn Bầu thắc mắc” phải lên rừng núi vì không còn con đường nào khác, gia cảnh khốn khó, mấy bà vợ và đàn con nheo nhóc, không lên khai hoang rừng núi thì sống bằng cách gì ? Còn Nhật Tuấn khác hẳn. Nhà cửa, tiện nghi ngay giữa Sài Gòn, vợ đẹp con ngoan chả thiếu gì. Bạn bè, gia đình ai cũng ngạc nhiên, thắc mắc. Hay là thần kinh có vấn đề ?
Sống ở Tân Uyên, Bình Dương ít lâu Nhật Tuấn béo khỏe ra. Không khí trong lành, yên tinh, không bị chi phối nhiều từ bên ngoài nên anh viết rất khỏe.
Năm lần bẩy lượt hẹn hò vậy mà mãi sau này tôi mới dám hạ quyết tâm từ Hà Nội bay vào để lên tận Bình Dương thăm anh. Túc tắc cái Attila, Nhật Tuấn đón tôi ở thị trấn Yên Hưng. Bây giờ nơi Nhật Tuấn sông đã thay đổi nhiều, khác xa ngày anh mới lên. Quanh thị tứ Tân Thành bây giờ như một đô thị nhỏ, đông vui không ngờ, có đủ chợ búa, cửa hàng san sát…vừa đi Nhật Tuấn vừa giới thiệu, giải thích. Hàng ăn nhậu thì nhiều vô kể, nửa đêm rời nơi ở là có ngay quán ăn đủ cả, hủ tiếu, bún bò, miến lươn, phở…rồi cả những quán cà phê đèn mờ. Bất ngờ hơn là một tối Nhật Tuấn rủ tôi ra quán giải khát thư giãn. Tưởng gì hóa ra cà phê ..võng .Tôi không đi nhiều nơi nên không rõ còn đâu khác nhưng quán sá kiểu này thì Bình Dương, Đồng Nai hẳn là một trong những trung tâm. Ở tỉnh lỵ có, huyện lỵ có đến cả những nơi vốn heo hut thế này cũng nhan nhản. Lều quán nhìn đơn giản, mái tranh vách lá sơ sài nhưng các cột lều quán thì vô cùng chắc chắn. Có lẽ vì đó là nơi để buộc võng. Mà mỗi chiếc võng thường không chỉ dành cho một người. Tôi nghĩ cái số Nhật Tuấn vất vả. Tưởng đã chạy trốn lên mãi tận rừng xanh xa vắng thế này cho yên tâm vậy mà “Những niềm vui trần thế “ cứ lẽo đéo bám theo từng bước chân nhà văn, cấm chịu buông tha.
Nhật Tuấn nuôi 2 con chó to đùng ban đầu làm tôi sợ , nhưng giống chó Phú Quốc rất khôn, nghe tiếng chủ bảo là lập tức im bặt, ư ử vẫy đuôi thân thiện ngay. Anh bảo, giống chó là con vật có tình, không phản bội chủ nên anh quí . Ngôi nhà của Tuấn khá đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi, điều hòa, bể bơi lọt trong khu đất rộng mênh mông. Nhật Tuân trồng bàng để lấy bóng mát.Tôi nghĩ, chỉ tổ quét lá rụng cũng đủ mệt, nhưng anh có lí, để lao động chân tay sau lúc căng thẳng viết.
Lúc tôi đung đưa trên chiếc ghế đu ngoài sân thì Nhật Tuấn vào bếp. Từng có thời gian làm lính , sống nhiều tại các vùng rừng núi, quen cảnh sống độc thân nên anh nhanh nhẹn, tháo vát. Chỉ lát sau bữa ăn đã được dọn ra, Lẩu cá hồi,tôm nướng…thêm cả chai vang Chi Leemaf loáng cái hai thằng đã uống hết veo. Không lẽ ngồi nhắm suông. Nhật Tuấn liền rút điện thoại : Alô, cho ngay một két bia Sài Gòn xanh đếnTuấn nhà báo. Tuấn giải thích, nói nhà báo người ở đây biết hơn nói nhà văn. Bữa trưa hôm ấy phải đến 3,4 giờ chiều mới chấm dứt Thức ăn hết tất cả, kể cả chai vang và non két bia. Tôi kém khoản ăn uông nhất là các đồ ăn dễ tăng bệnh gout, còn Tuấn ăn uống rất vô tư. Thảo nào Tuấn béo và khỏe.Anh luôn tự hào mình thừa sức lực, nhiều chị em rất nể, cho dù tuổi anh không còn trẻ.
Lơ mơ nên tôi đi nằm trước, tỉnh lại thấy trời đã tối. Thì cũng đã hơn 7 giờ . Phòng ngoài sáng ánh đèn và tiếng máy tính gõ rào rào. Tôi bước ra thấy Nhật Tuấn đang ngồi trước máy, quần sịp, cởi trần phơi rõ cái bụng bự bà bầu. Không quay lại anh chỉ hỏi : Ngủ ngon không, và anh khoe, mới viết được thêm một chương, lát nữa tôi đưa ông đọc. Đó là bản thảo cuốn tiểu thuyết anh đang viết tạm có tên là “ Đơn đặt hàng” Anh có vẻ rất tự tin vào cuốn tiểu thuyết mới này.
Thấy Nhật Tuấn đang say sưa nên tôi không làm phiền. Quả thật trưa nhậu nên giờ đã thấy đoi đói mà anh thì chẳng có dấu hiệu gì nói tới chuyện ăn uống tối. Nhật Tuấn vẫn mê mải làm việc như không hề biết có tôi hiện diện bên cạnh cho dù tôi cố tình hút thuốc, pha trà tạo ra những tiếng động. Mãi đến hơn 8 giờ tối, Tuấn mới quay lại : đói chưa, chờ mình gõ nốt trang này rồi ta đi ăn nhé. Tôi sẽ đãi ông món miến lươn. Thì ra ăn bữa trưa xong là anh lao vào làm việc, tính ra đã gần 5 tiếng đồng hồ. Tôi phục bạn. Tưởng rằng “ Những niềm vui trần thế “ ngày đêm bủa vây chắc chắn Nhật Tuấn sẽ phải buông bút rời máy từ lâu nhưng nhưng tận mắt chứng kiến mới thấy với anh ,quả thật , là một niềm đam mê không gì thay thế. Là n gười ham vui nhưng cũng không gì bằng cuộc sống và những con người đang viết và sẽ viết trong các tác phẩm của anh.
Đêm ấy tôi được anh đưa cho đọc những bản thả mới nhất. Vẫn giọng văn chương quen thuộc, hấp dẫn, thú vị và thêm chút vừa gần vừa xa nói về điều này chuyện nọ đang hàng ngày diễn ra trong cuộc sống xã hội với một chất giọng lên án một cách hóm hỉnh, thâm thúy mà sau tôi thấy anh đưa lên Bloc của anh dưới những cái tên chung “ Hẻm buôn chuyện “ hoặc “ Yêu thời đồ đểu “ rồi rất nhiều “ Chân dung hay chân tướng nhà văn “ …Thấy tôi đọc xong và đang tư lự, anh hỏi “ Được không.? Tôi đáp: đọc thú vị lắm, nhưng bây giờ người ta quen êm ả, nhẹ nhàng, ngợi ca mà ông thì… …
Nhật Tuấn tự rót nước trà uống không nói gì khiến tôi đâm nghĩ ngợi, Nhưng một lúc sau anh tâm sự : Có một nhà văn nữ làm biên tập văn xuôi cho báo Văn Nghệ điện vào giục mình gửi ra mấy truyện ngắn. Nể chị anh gửi, thì chỉ mấy hôm sau chị đã mail vào : “ Anh Tuấn ơi, phải nói ngay rằng truyện của anh hay lắm nhưng em phải chào thua thôi. Mong anh thông cảm cho em nhé “
ưng chở về chỗ anh .Hơn mười cây số từ trung tâm huyện về xã Thì ra viếc viết văn với Nhật Tuấn cũng đâu đơn giản ?
Ba giờ chiều ngày 6 tháng 10 năm 2015 nghe tin Nhật Tuấn ốm phải thuê ô tô từ Bình Dương lên Sài Gòn vào bệnh viện Thông Nhất, tôi điện hỏi, anh bảo sắp ra viện rồi chỉ một hai hôm nữa thôi. Nhưng ngay đêm ấy con trai anh báo tin, bố cháu mất rồi chú ạ. Trời ơi, Nhật Tuấn đi nhanh vậy sao ? Đúng là đời người bất chợt !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét