Tiết lộ vài chân dung qua facebook, nhiều người nói Trần Nhương đi theo cách của nhà thơ Xuân Sách, ông chỉ cười hihi và nói “Tôi không thể theo cụ Xuân Sách được. Tôi không bằng cụ, nhưng tôi khác!”
“Lão” có sợ qua tập sách này, “kẻ thù” của “lão” sẽ đông hơn?
Chả thù gì tôi. Bởi tôi viết thân thiện, đâu có chọc ngoáy điều đau đớn của họ? Ông Xuân Sách, theo tôi, là một trong những người làm chân dung cực giỏi nhưng tập 100 chân dung của ông như gai nhọn, như thanh kiếm chọc vào những điều đau đớn của người ta khiến có những người thân của họ không chịu nổi còn dọa đánh. Còn tôi có chọc cũng chỉ như bông ngoáy tai, khiến người ta phê phê. Tôi công nhận cái loại chân dung này cũng dạng như Xuân Sách nhưng ở gam khác, góc khác.


Chẳng lẽ 200 chân dung, “bức” nào cũng “phê”? Chắc cũng có những lúc anh cho mảng màu gắt hơn chứ?
Có thể có. Nhất là với những người bạn thân thân thì tôi nói phũ hơn tí. Có một số chân dung tôi ưng vì viết trúng họ, nhặt được cái ngồ ngộ của họ, hoàn cảnh của họ. Thí dụ như chân dung Văn Chinh, Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Thị Thu Huệ…
“Lão” đã từng quảng cáo bộ sưu tập chân dung này trong giới văn chương chưa?
Một số người trong giới đã đọc rồi. Ngày xưa tôi đưa lên trang web của tôi (Trần Nhương có trang web riêng- PV), tất nhiên không phải đưa lên tất cả. Có người xem xong có phản hồi, có người không nói gì. Có người thích nhưng cũng có những phản hồi dữ dội. Ấy là khi tôi ghép ảnh kèm thơ . Vì ở phiên bản cũ tôi “nghịch”, ghép ảnh nhân vật với sex. Thí dụ, trong phần họa nhà thơ Hoàng Sơn sẽ có kèm theo mấy “ẻm”. Có những trường hợp như Phan Thị Thanh Nhàn, tôi ghép với mấy chàng, bà ấy gọi điện đến trách cứ tôi. Tôi đổi sang ảnh bà ý cưỡi con trâu đi trong nắng sớm rất đẹp, bà ý lại thích. Hay Văn Công Hùng trong Tây Nguyên, tôi ghép vào mấy cô nàng, “hắn” cũng phản ứng: “Mấy đứa con nhà em xem nó không chịu nổi, bác chuyển cho em”. Dương Duy Ngữ cũng phản ứng. Đại khái thế.
Về tập “Chân dung”... chọc, nhà thơ Trần Nhương: Tôi PR cho người ta đấy chứ! - ảnh 1
Đọc qua tôi thấy không ít chân dung có “mùi” Hồ Xuân Hương?
À ừ, thì cái kiểu chân dung này cũng phải giọng đấy mới vui. Ngày trước, ở trang của tôi, tôi đề là chân dung vui. Tất nhiên qua chân dung tôi nói được quê quán họ, đôi nét về tính cách của họ, tác phẩm của họ song trên quan điểm vui là chính. Nickname của tôi là Trần Ham Vui.
“Lão” dựng 200 chân dung trong bao lâu?
Đợt này tôi làm hơi lắt nhắt. Mới đầu tôi làm chỉ để phục vụ trang web của tôi, mỗi tuần cho một chân dung vui nhằm mục đích thư giãn. Bây giờ tôi tập hợp lại, thấy hay hay nên quyết định in thành sách. 200 chân dung này làm trong vài năm nay.
Trần Ham Vui dự định dùng bông ngoáy tai chọc đồng nghiệp đến bao giờ?
Nếu trời cho sức khỏe tôi sẽ làm tương đối nhiều, cả ngàn hội viên của Hội nhà văn luôn, thành như cuốn từ điển về nhà văn, cứ mở vào là biết ngay chân dung về người cần biết. Đó cũng là một công trình đáng đọc đó chứ? Có khi bán “hot” chứ chả đùa. Mỗi năm tôi làm một đến vài trăm chân dung. Bây giờ tôi đã có sẵn 200 chân dung rồi. Năm 2017, lỡ tôi làm được 200 tới 400 chân dung nữa thì sao? Nhưng đó mới chỉ là dự tính thế và tôi dự định trong tương lai gần sẽ có cuộc triển lãm hội họa toàn chân dung nhà văn.
Xem ra Trần Ham Vui vì mải vui mà không sợ… “đá”. Thấy “lão” không ngại đụng đến “cây cao bóng cả” làng văn?
Có ném đá thì rủm rỉm tí thôi, chọc nách tí thôi không đến nỗi gì mà thù nhau , bởi vì tôi chả mua thù chuốc oán làm gì. Ngày xưa các ông Nguyễn Bính, Tú Mỡ… chọc nhau nhiều. Các cụ cũng làm chân dung về nhau, cũng viết đau lắm chứ có phải đùa đâu. Mình phải theo tiền bối chứ còn theo ai (Cười).
Trong 200 chân dung đó, có những chân dung nào “lão” dựng qua quýt vì không thân quen không?
Cũng không nhiều những người như thế. Tôi quen nhiều lắm, tính cách của mỗi người đều biết. Nhưng phía miền nam những ông như Sơn Nam, Trang Thế Hy, tôi chưa hiểu lắm, phải đọc về người ta, phải xem tác phẩm… Chả lẽ mình làm toàn nhà văn miền Bắc, nhà văn miền Nam cũng cố làm chứ.
“Lão” có vẻ hơi kiệm chữ khi viết chân dung?
Chân dung dài nhất cũng chỉ hơn chục câu thơ, nhưng độ dài như vậy không nhiều. Chân dung không nên làm dài, có khi 4 câu cũng ra chân dung rồi. Về thể thơ trong tập sách cũng khá đa dạng, có khi tôi chọn 4 chữ, 5 chữ nhưng dùng lục bát vẫn là nhiều hơn cả.
200 chân dung văn nhân minh họa trong sách do một tay “lão” vẽ, có mệt không?
Tôi dùng kí họa hoặc chế tác bằng cách lấy ảnh trên mạng hoặc chụp người ta rồi cho vào phần mềm vẽ, chứ bây giờ lấy đâu thời gian ký họa từng người?
“Lão” dự tính tỉ lệ yêu/ ghét “lão” qua tập chân dung này ra sao?
60/40, nghiêng về yêu mến. Tôi xưa nay không dám tự cao gì nhưng vẫn tin sự yêu mến đối với tôi nhiều hơn vì tôi sống quảng giao, hiền lương chơi với ai cũng nhiệt tình. Tôi nghĩ người ta chả ghét tôi mà chính tôi còn lăng xê họ. Bây giờ một ông nhà văn trung bình ai biết tác phẩm ra sao, tôi nêu hết quê quán, nghề nghiệp của họ còn gì? Quá là tôi “pr” người ta ấy chứ! Ai thích ném đá thì cứ ném đá, tôi có làm hại gì ai đâu? Tại sao nhà văn cứ mũ cao áo dài mãi, không đùa được? Cái hài hước mới là cái hay. Sao tiếu lâm sống lâu, Hồ Xuân Hương sống lâu, đó là nét đẹp là văn hóa chứ!
“Chọc” từ phố phường lên núi
Các tác phẩm tiêu biểu của Bằng Việt đã được Trần Nhương khéo léo đưa vào chân dung bằng thơ: “Tên Bằng gắn Việt vào đuôi/Vậy mà quan lộc suốt đời thảnh thơi/Những gương mặt những khoảng trời/Ô hay Khoảng cách giữa lời, Lọ Lem/Nào đâuNửa mặt trăng chìm/Hương cây bếp lửa đi tìm ngẩn ngơ…”. Lê Lựu cũng hiện lên khá rõ với sự nghiệp và tính cách: “Muốn làmSóng ở đáy sông/Một thời lầm lỗi nên không Mở rừng/ Giang Minh Sài đã lên ông/Tay run, đầu hói, răng long, mắt mờ/Thời xa vắng ấy vẫn mơ/Chuyện làng Cuội viết đến giờ chưa xong/Một đời gánh lấy long đong/Đã Lê còn Lựu cũng dòng chua chua”. Trần Nhương cũng “chọc” cả những ít đùa như nhà văn vùng cao đã về hội nhập thủ đô Cao Duy Sơn: “Họ Nguyễn sao thành họ Cao/ Hay là ông đã làm sao… chạy làng/Cao Bằng có Người lang thang/Đàn trời ai gảy xốn xang đất trời/Đã quaCực lạc một thời/Hoa mận đỏ để nhớ đời X men..."
Thi ca toàn gió, hội họa toàn… nude
Hiện nay, Trần Nhương làm ở báo Người cao tuổi, duy trì trang web cá nhân bằng tiền lương hưu. “Lão” nói: “Văn mình không được xã hội, báo chí lăng xê, cũng không đăng ký giải gì, Hội nhà văn vài lần đưa hồ sơ làm giải Nhà nước nhưng tôi đều từ chối, độc giả nhớ được câu gì là tôi sướng rồi”.
Không chỉ “chọc” bạn bè, Trần Nhương còn tự “chọc” mình làm “gương”:
"Gió tháng ba vẫn thổi/Gió bát ngát đồng rừng/Thi ca toàn là gió/Hội họa toàn là mông/ Kim cổ kỳ quặc ký/ Kỳ quặc nhất là ông/ Một mình nuôi con web/ Trannhuongcom biếu không/Trần Ham Vui là gã/Tưởng đục hóa ra trong/ Lão chưa hưu… gì cả/ Có em nào khoái không?!”.

Nguồn TPO chủ nhật 9-10-016