Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

NGƯỜI LÀM MỚI NHỮNG ĐIỀU DƯỜNG NHƯ ĐÃ CŨ


Phạm Xuân Trường (Bố)













Phạm Xuân Trường (con) cho ra mắt tập thơ “Vết thời gian” do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2016. Năm nay, 2017 Trường (con) lại trình làng tập thơ thứ hai “Lở bồi cũng một đời sông” với 51 bài cũng là lục bát do NXB Hội nhà văn cấp phép.
Giữa ngút ngàn những đứa con tinh thần được các bà đỡ là những nhà xuất bản danh tiếng cấp giấy khai sinh cho ra đời nườm nượp, bổ sung vào đội quân làm thơ hùng hậu của quốc gia, Trường (con) không ngần ngại và do dự cho ra hai tập lục bát kế tiếp nhau.Trường tự tin lắm!
Trường (con) nhờ tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ này (vốn tôi không quen). Khi đọc xong bản thảo, tôi nhận lời viết những dòng cảm xúc đồng điệu của tôi với bạn thơ trẻ, một người nặng lòng với điệu hồn dân tộc. Tập thơ như cố níu giữ vốn cổ của cha ông, một hy vọng mong manh nhưng tôi tin nó sẽ bền chắc. Các nhà thơ cách tân và hậu hiện đại tự xưng đang lấn lướt trên thi đàn đương đại. Bên cánh võng đu đưa hoặc trong nôi bồng bềnh, những người trẻ vẫn cứ ru con cháu bằng những câu lục bát của cụ Nguyễn Du, của Nguyễn Bính, Nguyễn Duy ... Một Đôn - Ky - Hô - Tê của thời hiện đại chăng? Họ là những người ung dung cưỡi ngựa đi trên đại lộ đầy rẫy Lếch xù, Pho, Toyota đang hối hả trên dọc đường văn học.
Cuộc sống ngày một xô bồ, biến động. Khi ta mệt nhoài, tĩnh tâm đọc những câu thơ ... “À ơi, biển rộng sông sâu/ Tình yêu qua mấy nhịp cầu đong đưa/ Vui buồn từ những thuở xưa/ Anh đem trút cạn cũng vừa tàn đêm” (Lời ru cho em) lại thấy lòng dịu lại. Trắc ẩn bởi những điều mắt thấy tai nghe rồi tác giả tự nhủ lòng mình ... “Lòng đầy e ngại mỗi khi/ Bảo rằng mình ghét những gì người yêu/ Sợ vu oan sợ đặt điều/ Sợ đời ghẻ lạnh hơn nhiều bão giông” . Hội chứng tâm lý đám đông! Đời vốn là thế! “Nên lại hòa với đám đông/ Biết là khi bước ra không còn mình” . Một cách sống a dua, lựa thời! Thời nào cũng vậy! Con người không có bản lĩnh, có chính kiến thì “Bước ra là không còn mình” (Cõi người ta). Phép ẩn dụ trong thơ gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Trường viết những câu thơ thảng thốt, ân hận sau những tháng năm ... “Nẻo đời càng bước càng xa/ Chạm đích rồi lại ngỡ là chưa đi”. Rồi một ngày Trường lại về với người mẹ “ lầm lũi đến vô danh” để nương tựa : ...”Con về dựa bóng lưng còng/ Bấy lâu trôi dạt ở trong cõi người...Mẹ lầm lũi đến vô danh/ Nghiêng về đâu cũng phong phanh gió lùa”. Lãng du! Xê dịch! Bất chợt…con đem mùa xuân về với mẹ. Khi đã nhận về mình thừa thãi lời khen, đứa con mới ngộ ra... “Lúc con thi phú được mùa/ Là khi thóc nếp mẹ vừa bán non”. Ân hận lắm thay!


Những câu thơ tự sự viết ở tuổi ba mươi như đại diện cho thế hệ trẻ đầy hoài nghi và hẫng hụt. Trường hẳn là một con người đa sầu, đa cảm, đầy xót xa và sẵn sàng sẻ chia. Trong bài (Chị) có những câu thơ như thế này: “Em còn dư nước mắt đây/ Lệ chị cạn, khoảng trống đầy hoàng hôn” Đó là những lời an ủi khi biết rằng số phận của chị: “Biết mình duyên phận mỏng manh/ Than không hết khổ thì đành lặng câm” . Kết bài thơ là những câu thơ vỗ về, đành đoạn và chấp nhận ... “Áo không lành có chỉ khâu/ Đời buồn thì lấy lệ sầu vá may/ San cho chị giọt thương này/ Để còn khóc nốt quãng ngày đục trong”. Người em đã ôm chầm lấy chị mà nức nở, sẻ chia (tôi nghĩ thế)...
Trường có những câu thơ rất tinh tế và gợi mở. Người đọc khi đứng trước bức tranh thêu sặc sỡ sắc màu “Tay này thêu núi thêu sông/ Thêu hoa trên lụa, thân không lụa là” sẽ có những cảm nhận vượt ra ngoài bức tranh thơ ấy. Sự thật được giãi bày “Cò gầy nép ở chân đê/ Thóc căng mây mẩy mà quê vẫn nghèo”. Cho nên chàng trai thú nhận... “Nhận tranh em chẳng dám treo/ Sợ lòng son bám bụi theo tháng ngày”. No ấm giả của bức tranh treo trên tường! Hẳn là không muốn! Tế nhị và sâu sắc vô cung!. Giữa những hào nhoáng giả dối không biết ngượng đang nảy nòi sinh sôi như nấm sau mưa, vẫn được không ít những người tán dương, tung hô bằng mọi phương tiện hiện đại để nhòa đi cái khoảng tối của sự thật, tác giả vẫn muốn giữ những giá trị thật “Lòng son” không để bụi bẩn bám vào.
Phạm Xuân Trường (con) là người mê sách, đọc nhiều, nhớ cũng lắm. Bài (Thơ tặng cừu non) gợi tới truyện cổ “Tái ông mất ngựa” ở bên Tàu. “Trời sinh ra nết hiền lành/ Lại sinh giống ác để hành hạ nhau”. Cái quy luật bất biến ấy tồn tại song hành “Khiếp chưa quy luật vĩnh hằng/ Đã là sói phải yêu bằng máu tươi”. Tác giả đúc kết bản năng của loài dã thú hay cái ác của con người bằng một câu lục bát già dặn, đầy chất ngụ ngôn và chiêm nghiệm ở đời.
Tập thơ có một loạt bài vẽ chân dung các nhà thơ. Những bài thơ này dường như Trường đã nhìn thấu gan ruột buồn vui của từng người
. Với nữ thi sĩ Bùi Kim Anh, Trường (con) buồn cùng cái buồn của nữ sĩ “Biết đời đem oán đền ơn/ Bao câu hứa hẹn rỉ sơn tróc rồi”.
Với nhà thơ khiếm thị Việt Anh, Trường (con) đồng cảm... “Sự đời tính nhẩm toàn sai/ Rõ cùng một việc mà hai cách nhìn”.
Với em Nguyễn Huyền, Trường (con) tâm sự... “Thơ là bạn lúc nhàn cư/ Giọt trong nước mắt chắt từ ruột gan/ Mà thôi, đêm sắp buông màn/ Ta về nhóm lại tro than lòng mình”.
Bài thơ (Nỗi đời xa quê) tặng Cô Lệ Thi, một Việt Kiều ở Ba Lan.cũng là lời chung viết cho đàn con Việt còn đang lưu lạc ở xứ người (tôi tin là thế) “Cô nào có được thảnh thơi/ Tuyết Ba Lan rợn nỗi đời xa quê/ Mỗi năm một chuyến bay về/ Bước qua rơm rạ còn mê đồng làng”. Đất nước đang ngày một giàu có lên? Những chàng trai, cô gái tranh nhau đi xuất khẩu lao động để xóa đói giảm nghèo! Những kiều hối cuối năm đổ về làm cho ngân sách nhà nước thêm bội thu và lãnh đạo hoan hỉ. Thật lòng biết ơn họ! Nhưng canh cánh tủi buồn làm sao!
Với nhà thơ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên cả một đời ... “Bác giàu bởi thứ đem cho/ Lấy chân bèo dạt mà dò nông sâu”, bây giờ thấm thía nỗi đời khi ngoái lại “Ai ngờ, ai có ngờ đâu/ Những lời ngọt nhạt là câu dối lừa.
Gặp trong đời một cựu chiến binh, nhà thơ Trần Thích Thiện mưu sinh ở vỉa hè, Trường (con) xót xa thay hộ... “Một thời lửa cháy bom rơi/ Máu người đã đổ hoa nơi chiến hào” và đau đớn “Tay lần từng tấm huân chương/ Muốn lau sợ chạm vết thương lòng mình”. Thật là chua chát!
Với họa sĩ nhà thơ Lê Tiến Vượng, Trường (con) viết những câu thơ như tự an ủi mình “Người sang quên lúc mình hèn/ Hững hờ sống để rồi quen hững hờ”. Ôi bạc bẽo lắm thay! Đời là vậy! Ta lại giật mình nhớ đến bài thơ “Mẹ đâu ngờ” của nhà thơ Bùi Minh Quốc.
Trong bài (Câu thơ giải oan) đề tặng nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn, Trường (con) thấu tỏ nỗi đau giai cấp. Một cơn bão máu tràn qua một thời, dễ mấy ai quên... “Phải đâu ác bá cường hào/ Nỗi oan vùi đất ai nào thấu cho... Trang thơ hằn vết trâu cày/ Kéo lê về chốn đắng cay tủi hờn... Đặt câu thơ giữa bàn cân/ Vẫn nghe trĩu nặng phía thân phận người” v.v...
Rất mừng tập thơ “Lở bồi cùng một đời sông” của người thơ trẻ tuổi với năm mươi mốt bài thơ lục bát vẫn gìn giữ được cốt cách và điệu hồn dân tộc. Tập thơ làm thức dậy những vốn cổ, lung linh thêm cho vườn thơ đầy hương và sắc. Hòa vào dòng chảy của thi ca hiện đại và đang bùng nổ, Phạm Xuân Trường (con) đã và đang làm mới những cái dường như đã cũ.
Hải Phòng, 24 tháng 04 năm 2017
Phạm Xuân Trường (Bố)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét