Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

NHỮNG CẶP TIỂU ĐỐI TRONG TRUYỆN KIỀU

Kết quả hình ảnh cho Kim Vân KiềuVũ Đình Mai




Đọc bao nhiêu lần rồi, hôm nay mới phát hiện ra trong Truyện Kiều có quá nhiều những cặp tiểu đối. Hình như chính những cặp tiểu đối này đã góp phần rất lớn vào cái hay, cái đẹp, cái duyên dáng, uyển chuyển, làm nên cái kì vĩ trong tác phẩm của Nguyễn Du.
Một điều lạ là rất nhiều cặp đối là những thành ngữ, thứ ngôn từ đã được ông bà tổ tiên ta tinh luyện, truyền đời lại cho chúng ta.
Các bạn xem đây: Cơm chín tới / Cải ngồng non là một thành ngữ được thể hiện bằng một cặp đối tuyệt vời. Gái một con / Gà nhảy ổ cũng vậy. Hai cặp đối này ghép lại lại thành một cặp đối lớn hơn: Cơm chín tới, cải ngồng non / Gái một con, gà nhảy ổ lại càng tuyệt vời nữa.
Tương tự, trong Kiều có Mai cốt cách / tuyết tinh thần, hay Hoa cười / ngọc thốt thì đúng là những thành ngữ được thể hiện bằng những cặp đối thật là hoàn hảo.
Có thể có cặp chưa được chuẩn lắm, nhưng bỏ thì tiếc, nên cứ chép vào. Sau khi bạn bè góp ý, sẽ chỉnh lý lại.
Chỉ băn khoăn một điều, đó là các cụ nhà mình đã ai công bố những cặp tiểu đối trong Truyện Kiều như thế này chưa. Nếu rồi thì con xin các cụ xá tội. Nếu chư thì mời các bạn cùng thưởng ngoạn.
Những câu nào có cặp tiểu đối, tôi chép cả câu, những chữ không thuộc cặp đối in chữ nghiêng thường, những chữ thuộc cặp đối in chữ nghiêng đậm. Giữa cặp đối có gạch ngang. Các chữ đầu của hai vế đối đều được viết hoa. Mặc dù trong câu của truyện Kiều không viết hoa. Cốt để bạn đọc nhận ra cặp đối một cách dễ dàng.
Cuối mỗi dòng có chữ C và các con số trong ngoặc đơn, đó là cặp đối ấy trong Câu thứ bao nhiêu của Truyện Kiều. Quyển Kiều của tôi là quyển do nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản năm 2011, có tất cả 3254 câu. Đánh số vậy để các bạn dễ theo dõi.
Tôi mới tìm được khoảng 280 cặp đối. Mời các bạn tìm thêm.
Như vậy, cứ khoảng 10 dòng thơ lại xuất hiện một cặp đối. Nhưng đấy chỉ là tính bình quân thôi. Càng những phần, những đoạn tâm đắc, Cụ Nguyễn càng huy động nhiều những cặp đối. Như các đoạn tả hai chị em Kiều, đoạn Kim Trọng tương tư, đoạn Kim-Kiều gá nghĩa, đoạn Kiều bán mình, bị lừa vào lầu xanh lần thứ nhất, đoạn Thúc Sinh gặp Kiều, Đoạn Từ Hải chuộc Kiều…Nhất là đoạn Từ Hải phái binh hùng tướng mạnh đón Kiều. Đoạn này mới hùng tráng làm sao, phấn chấn làm sao! Bức tranh hoành tráng về tình yêu của một đấng anh hùng dành cho người đẹp mà Cụ Nguyễn dựng lên ấy, không thể có bức thứ hai trên cõi đời này! Nó là vô tiền khoáng hậu. Tôi cam đoan như thế! Đây là buổi lễ đón dâu ấn tượng nhất, hào hùng nhất. Chỉ thông qua lễ đón dâu này, ta đã thấy “sức mạnh quân sự” của Từ Hải đến chừng nào!



Trong Kiều, Từ Hải là người đáng mặt anh hùng nhất, Thúy Kiều xinh đẹp nhất, tài hoa nhất, có hiếu nhất, có tình nhất thì chắc là đúng rồi. Còn một nhân vật nhất nữa, đó là Hoạn Thư. Sao Cụ Nguyễn lại xây dựng được cái nhân vật ranh ma quỉ quái, ác độc và tinh khôn đến thế!
Nhân vật cặn bã nhất, to mồm nhất, tráo trở nhất là Sở Khanh:
Tức gan riêng giận trời già / Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng / Thuyền quyên ví biết anh hùng / Ra tay tháo cũi xổ lồng như chơi!
Nàng đà biết đến ta chăng / Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!..
Nhưng thôi, ta quay lại với chủ đề chính: Những cặp tiểu đối trong Truyện Kiều.
Lạ gì Bỉ sắc - Tư phong (C5)
Bốn phương phẳng lặng – Hai kinh vững vàng (C10)
Mai cốt cách – Tuyết tinh thần (C17)
Khuôn trăng đầy đặn – Nét ngài nở nang (C20)
Hoa cười - Ngọc thốt đoan trang (C21)
Mây thua nước tóc – Tuyết nhường mầu da (C22)
Làn thu thủy – Nét xuân sơn (C25)
Hoa ghen thua thắm – Liễu hờn kém xanh (C26)
Sắc đành đòi một – Tài đành họa hai (C28)
Êm đềm Trướng phủ - Màn che (C37)
Dập dìu Tài tử - Giai nhân (C47)
Ngựa xe như nước – Áo quần như nêm (C48)
Thoi vàng vó rắc - Tro tiền giấy bay (C50)
Thì đà Trâm gẫy - Bình rơi bao giờ (C70)
Trải bao Thỏ lặn - Ác tà (C79)
Ngày xanh mòn mỏi – Má hồng phôi pha (C86)
Nào người Phượng chạ - Loan chung (C89)
Nào người Tiếc lục - Tham hồng là ai (C90)
Đã không Kẻ đoái - Người hoài (C91)
Sầu tuôn đứt nối – Châu sa vắn dài (C104)
Thác là thể phách – Còn là tinh anh (C116)
Ào ào Đổ lộc - Rung cây (C121)
Một vùng như thể Cây quỳnh - Cành dao (C144)
Nền phú hậu – Bậc tài danh (C149)
Văn chương nết đất – Thông minh tính trời (C150)
Vào trong phong nhã – Ra ngoài hào hoa (C152)
Những là Trộm nhớ - Thầm yêu chốc mòng (C158)
Xuân lan - Thu cúc mặn mà cả hai (C162)
Người quốc sắc – kẻ thiên tài (C163)
Tình trong như đã – Mặt ngoài còn e (C164)
Vàng gieo ngấn nước – Cây lồng bóng sân (C174)
Sương in mặt – Tuyết pha thân (C189)
Mấy lời hạ tứ Ném châu - Gieo vàng (C198)
Một hội - Một thuyền đâu xa (C102)
Hoa trôi - Bèo giạt đã đành (C219)
Chưa xong điều nghĩ – Đã trào mạch Tương (C238)
Tuần trăng khuyết – Đĩa dầu hao (C251)
Mặt mơ tưởng mặt – Lòng ngao ngán lòng (C252)
Trúc se ngọn thỏ - Tơ trùng phím loan (C254)
Hương gây mùi nhớ - Trà khan giọng tình (C256)
Cạn dòng lá thắm – Dứt đường chim xanh (C268)
Mấy lần Cửa đóng - Then cài (C271)
Túi đàn - Cặp sách đề huề dọn sang (C278)
Buông cầm - Xốc áo vội ra (C291)
Mà lòng Trọng nghĩa - Khinh tài xiết bao (C310)
Kẻ nhìn rõ mặt – Người e cúi đầu (C322)
Thầm trông - Trộm nhớ bấy lâu đã chồn (C324)
Dù khi Lá thắm - Chỉ hồng (C333)
Vội vàng Lá rụng - Hoa rơi (C361)
Chàng về viện sách – Nàng rời lầu trang (C362)
Tình càng thấm thía – Dạ càng ngần ngơ (C364)
Một tường Tuyết phủ - Sương che (C367)
Thưa hồng - Rậm lục đã chừng xuân qua (C370)
Những là Đắp nhớ - Đổi sầu (C383)
Nàng rằng Gió bắt - Mưa cầm (C385)
Bên lời vạn phúc – Bên lời hàn huyên (C394)
Tay tiên Gió táp - Mưa sa (C403)
Khen tài Nhả ngọc - Phun châu (C405)
Nàng Ban - Ả Tạ cũng đâu thế này (C406)
Đầu mày - Cuối mắt càng nồng tấm yêu (C408)
Chẳng sân ngọc bội – Cũng phường kim môn (C410)
Lòng xuân phơi phới – Chén xuân tàng tàng (C424)
Đài sen nối sáp – Song đào thêm hương (C446)
Sinh rằng Gió mát - Trăng trong (C455)
Đừng điều Nguyệt nọ - Hoa kia (C461)
Phải điều Ăn xổi - Ở thì (C509)
Trong khi Chắp cánh - Liền cành (C515)
Vội chi Liễu ép - Hoa nài (C521)
Gìn vàng - Giữ ngọc cho hay (C545)
Cho đành lòng kẻ Chân mây - Cuối trời (C546)
Quản bao Tháng đợi - Năm chờ (C553)
Nghĩ người Ăn gió - Nằm mưa xót thầm (C554)
Buộc yên - Quẩy gánh vội vàng (C563)
Mối sầu sẻ nửa – Bước đường chia hai (C564)
Đầu cành quyên nhặt – Cuối trời nhạn thưa (C566)
Não người Cữ gió - Tuần mưa (C567)
Người nách thước – Kẻ tay dao (C577)
Đầu trâu - Mặt ngựa ào ào như sôi (C578)
Đồ tế nhuyễn – Của riêng tây (C583)
Này ai Đan giậm - Giật giàm bỗng dưmg (C586)
Tiếng oan dậy đất – Oán ngờ lòa mây (C590)
Để lời Thệ hải - Minh sơn (C603)
Đau lòng Tử biệt - Sinh ly (C617)
Dầu lòng Đổi trắng - Thay đen khó gì (C690)
Chị dù Thịt nát - Xương mòn (C733)
Đốt lò hương ấy – So tơ phím này (C742)
Trông ra Ngọn cỏ - Lá cây (C743)
Dạ đài Cách mặt - Khuất lời (C747)
Bây giờ Trâm gẫy - Bình tan (C749)
Đã đành Nước chảy - Hoa trôi lỡ làng (C754)
Vì ai Rụng cải - Rơi kim (C769)
Để con Bèo nổi - Mây chìm vì ai (C770)
Lệ rơi thấm đá – Tơ chia rũ tằm (C782)
Dầu dầu ngọn cỏ - Đầm đầm cành sương (C784)
Hoài công Nắng giữ - Mưa gìn với ai (C790)
Thiệt lòng khi ở - Đau lòng khi đi (C794)
Mạt cưa - Mướp đắng đôi bên một phường (C812)
Quanh năm Buôn phấn - Bán hương đã lề (C814)
Nước vỏ lựu – Máu mào gà (C837)
Giận duyên - Tủi phận bời bời (C857)
Lỡ làng Nước đục - Bụi trong (C879)
Khi vào dùng dắng – Khi ra vội vàng (C884)
Sống nhờ đất khách – Thác chôn quê người (C890)
Chút thân Yếu liễu - Thơ đào (C897)
Từ đây Góc bể - Chân trời (C899)
Kìa gương nhật nguyệt – Nọ dao quỉ thần (C906)
Đêm đêm hàn thực – Ngày ngày nguyên tiêu (C942)
Đưa người cửa trước – Rước người cửa sau (C946)
Nàng rằng: Trời thẳm – Đất dày (C979)
Bẽ bàng Mây sớm – Đèn khuya (C1037)
Than ôi Sắc nước - Hương trời (C1065)
Giá đành Trong nguyệt – Trên mây (C1067)
Ra tay Tháo cũi – Xổ lồng (C1072)
Gió cây trút lá – Trăng ngàn ngậm gương (C1120)
Đang tay Vùi liễu – Dập hoa tơi bời (C1136)
Lòng nào Hồng rụng – Thắm rời chẳng đau (C1138)
Khi khóe hạnh – Khi nét ngài (C1213)
Khi ngâm ngợi nguyệt – Khi cười cợt hoa (C1214)
Dường chau nét nguyệt - Dường phai vẻ hồng (C1218)
Xót mình Cửa các – Buồng khuê (C1221)
Cuộc say suốt sáng – Trận cười tròn đêm (C1230)
Dập dìu Lá gió – Cành chim (C1231)
Sớm đưa Tống Ngọc – Tối tìm chàng Khanh (C1232)
Mặt sao Dày gió – Dạn sương (C1237)
Thân sao Bướm chán – Ong chường bấy thân (C1238)
Mặc người Mưa Sở - Mây Tần (C1239)
Đòi phen Gió tựa – Hoa kề (C1241)
Nửa rèm tuyết ngậm – Bốn bề trăng thâu (C1242)
Cung cầm trong nguyệt – Nước cờ dưới hoa (C1246)
Thờ ơ Gió trúc – Mưa mai (C1249)
Lần lần Thỏ bạc – Ác vàng (C1269)
Khi Gió gác – khi Trăng sân (C1295)
Bầu tiên chuốc rượu – Câu thần nối thơ (C1296)
Khi Hương sớm – khi Trà trưa (C1297)
Bàn vây điểm nước – Đường tơ họa đàn (C1298)
Mụ càng Tô lục – Chuốt hồng (C1305)
Cành kia chẳng phải – Cội này mà ra? (C1322)
Giấm chua lại tội bằng ba – Lửa nồng (C1352)
Sá chi Liễu ngõ – Hoa tường (C1355)
Đá vàng đã quyết – Phong ba cũng liều (C1356)
Càng sâu nghĩa bể - Càng dài tình sông (C1382)
Hương càng đậm – Lửa càng nồng (C1383)
Càng sôi vẻ ngọc – Càng hồng màu sen (C1384)
Tuồng chi Hoa thải – Hương thừa (C1413)
Để ai Trăng tủi – Hoa sầu vì ai (C1436)
Thôi đừng Rước dữ - Cừu hờn (C1459)
Mảng vui Rượu sớm – Cờ trưa (C1473)
Đào đà phai thắm – Sen vừa nẩy xanh (C1474)
Ở vào khuôn phép – Nói ra mối giường (C1484)
Dễ dò rốn bể - Khôn lường đáy sông (C1486)
Người lên ngựa – Kẻ chia bào (C1519)
Chữ tình càng mặn – Chữ duyên càng nồng (C1570)
Những là Cười phấn – Cợt son (C1591)
Đường kia – Nỗi nọ như chia mối sầu (C1628)
Ầm ầm Khốc quỉ - Kinh thần mọc ra (C1642)
Dễ ai Rấp thảm – Quạt sầu cho khuây (C1682)
Gạn gùng Ngọn hỏi – Ngành tra (C1725)
Con ong – Cái kiến kêu gì được oan (C1765)
Cũng liều Ngọc nát – Hoa tàn mà chi (C1766)
Sớm hôm Khăn mặt – Lược đầu (C1775)
Lần lần Tháng trọn – Ngày qua (C1789)
Phấn thừa – Hương cũ bội phần xót xa (C1794)
Bây giờ Đất thấp – Trời cao (C1817)
Chước đâu Rẽ thúy – Chia uyên (C1875)
Nhẹ như bấc – Nặng như chì (C1879)
Dường gần rừng tía – Dường xa bụi hồng (C1926)
Khỏi điều Thẹn phấn- Tủi hồng thì thôi (C1928)
Phật tiền Thảm lấp – Sầu vùi (C1929)
Trông vào đau ruột – Nói ra ngại lời (C1948)
Quản chi Lên thác – Xuống ghềnh (C1951)
Thẹn mình Đá nát – Vàng phai (C1955)
Dẫu rằng Sông cạn – Đá mòn (C1975)
Mịt mù Dặm cát – Đồi cây (C2029)
Tiếng gà điểm nguyệt – Dấu giầy cầu sương (C2030)
Canh khuya Thân gái – Dặm trường (C2031)
Ngọn đèn khêu nguyệt – Tiếng chày nện sương (C2058)
Gió quang – Mây tạnh thảnh thơi (C2063)
Thấy nàng Mặn phấn – Tươi son (C2089)
Lại mang lấy tiếng Dữ gần – Lành xa (C2096)
Nàng càng Mặt ủ - Mày chau (C2113)
Bán hùm – Buôn sói chắc vào lưng đâu (C2122)
Bấy giờ Vượt bể - Ra khơi quản gì (C2126)
Quét sân đặt trác – Rửa bình thắp nhang (C2130)
Cũng Phường bán thịt – cũng Tay buôn người (C2140)
Râu hùm – Hàm én mày ngài (C2167)
Râu hùm Hàm én- Mày ngài (C1267)
Đội trời – Đạp đất ở đời (C2171)
Gươm đàn nửa gánh – Non sông một chèo (C2174)
Bõ chi Cá chậu – Chim lồng mà chơi (C2184)
Còn như Vào trước – Ra sau (C2189)
Rộng thương Cỏ nội – Hoa hèn (C2197)
Muôn chung – Nghìn tứ ắt là có nhau (C2204)
Đặt giường thất bảo – Vây màn bát tiên (C2210)
Trai anh hùng – Gái thuyền quyên (C2211)
Thanh gươm – Yên ngựa lên đường thẳng giong (C2216)
Cỏ cao hơn thước – Liễu gầy vài phân (C2234)
Xót thay Huyên cỗi – Xuân già (C2237)
Còn ra khi đã Da mồi – Tóc sương (C2240)
Dẫu lìa ngó ý – Còn vương tơ lòng (C2242)
Đặt gươm – Cởi giáp trước sân khấu đầu (C2262)
Đầy sông kình ngạc – Chật đường giáp binh (C2252)
Sẵn sàng Phượng tiễn – Loan nghi (C2265)
Hoa quan chớp chới – Hà y rỡ ràng (C2266)
Dựng cờ - Nổi trống lên đường (C2267)
Trúc tơ nổi trước – Kiệu vàng kéo sau (C2268)
Kéo cờ lũy – Phát súng thành (C2271)
Hãy còn Hàm én – Mày ngài như xưa (C2274)
Tiệc bày Thưởng tướng – Khao binh (C2285)
Thì thùng trống trận – Rập rình nhạc quân (C2286)
Quân trung Gươm lớn – Giáo dài (C2311)
Vệ trong thị lập – Cơ ngoài song phi (C2312)
Vác đòng chật đất – Tinh kỳ rợp sân (C2314)
Phen này Kẻ cắp – Bà già gặp nhau (C2334)
Càng cay nghiệt lắm – Càng oan trái nhiều (C2362)
Đã tin điều trước - Ắt nhằm việc sau (C2410)
Chạm xương – Chép dạ xiết chi (C2425)
Bấy nay Kẻ Việt – Người Tần cách xa (C2434)
Thừa cơ Trúc chẻ - Ngói tan (C2439)
Đòi cơn Gió quét – Mưa sa (C2443)
Bấy lâu Bể Sở - Sông Ngô tung hoành (C2464)
Vào luồn – Ra cúi công hầu mà chi? (C2468)
Chọc trời – Khuấy nước mặc dầu (C2471)
Ba bề phát súng – Bốn bên kéo cờ (C2514)
Trơ như đá – Vững như đồng (C2521)
Ai lay chẳng chuyển – Ai rung chẳng dời (C2522)
Một cung Gió thảm – Mưa sầu (C2569)
Ve ngâm – Vượn hót nào tày (C2571)
Lá màn rủ thấp – Ngọn đèn khêu cao (C2602)
Nàng càng Ủ liễu – Phai đào (C2603)
Đành thân Cát lấp – Sóng vùi (C2605)
Chân trời – Mặt bể lênh đênh (C2607)
Thôi thì Nát ngọc – Tan vàng thì thôi (C2616)
Thì đà Đắm ngọc – Chìm hương mất rồi (C2638)
Trong cơn Âm cực – Dương hồi khôn hay (C2646)
Ở không yên ốn – Ngồi không vững vàng (C2664)
Ma đưa lối – Quỉ dẫn đường (C2665)
Một gian Nước biếc – Mây vàng chia đôi (C2698)
Mơ màng Phách quế - Hồn mai (C2711)
Gió trăng mát mặt – Muối dưa chay lòng (C2734)
Triều dâng hôm sớm – Mây lồng trước sau (C2736)
Song trăng quạnh quẽ - Vách mưa rã rời (C2746)
May thuê – Viết mướn kiếm ăn lần hồi (C2762)
Lau treo rèm nát – Trúc cài phên thưa (C2768)
Dầm dề giọt ngọc – Thẫn thờ hồn mai (C2796)
Như nung gan sắt – Như bào lòng son (C2832)
Trầm bay nhạt khói – Gió đưa lay rèm (C2852)
Hoa chào ngõ hạnh – Hương bay dặm phần (C2862)
Tình xưa Ân trả - Nghĩa đền (C2865)
Ấy ai Dặn ngọc – Thề vàng (C2869)
Mây trôi – Bèo nổi thiếu gì là nơi (C2902)
Lạ chi Quốc sắc – Thiên tài phải duyên (C2922)
Hoa trôi – Nước chảy xuôi dòng (C2931)
Sóng yên Phúc Kiến – Lửa tàn Chiết Giang (C 2954)
Bấy chầy Dãi nguyệt – Dầu hoa (C3025)
Lời tam hợp – Chuyện xa gần thiếu đâu (C3028)
Xót mình Dãi gió – Dầm mưa đã nhiều (C3080)
Dẫu rằng Vật đổi – Sao dời (C3087)
Hoa thơm phong nhị - Trăng vòng tròn gương (C3094)
Ong qua – Bướm lại đã thừa xấu xa (C3098)
Bấy chầy Gió táp – Mưa sa (C3099)
Những từ Sen ngó – Đào tơ (C3137)
Vớt hương dưới đất – Bẻ hoa cuối mùa (C3154)
Bỗng không Cá nước – Chim trời lỡ nhau (C3166)
Là nhiều Vàng đá – phải tìm Trăng hoa (C3176)
Thêm nến giá – Nối hương bình (C3189)
Khói trầm cao thấp – Tiếng huyền gần xa (C3198)
Hay là Khổ tận – đến ngày Cam lai (C3210)
Phải người Sớm mận – Tối đào như ai (C3220)
Chẳng trong chăn gối – Cũng ngoài cầm thơ (C3222)
Khi chén rượu – Khi cuộc cờ (C3223)
Khi xem hoa nở - Khi chờ trăng lên (C3224)
Đến nơi Đóng cửa - Cài then (C3229)
Rêu trùm kẽ gạch – Cỏ lên mái nhà (C3230)
Một cây cù mộc – Một sân quế hòe (C3238) Phong lưu – Phú quí ai bì (C3239)
Mong rằng bài viết này góp một phần nhỏ vào rất nhiều cách thưởng thức Truyện Kiều mà cha ông ta đã từng khám phá.
HP, 5-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...