Dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S giống như một Con Rồng uốn lượn: Trên “đầu rồng” là những dãy núi cao hiểm trở phía bắc. Phần “mặt rồng” đất đai bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi chằng chịt là đồng bằng Bắc Bộ. Chạy dọc theo “thân rồng”, kéo dài từ phía bắc tới cực nam Trung Bộ là dãy Trường Sơn trùng điệp, phía đông là dải duyên hải miền Trung dài và hẹp. Cuối cùng là “bụng” và “đuôi rồng”, chính là Nam Bộ - đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, đất đai màu mỡ phì nhiêu, hoa trái quanh năm.
Và ở đây ta bắt gặp một sự tương đồng đến lạ kỳ khi đặt tấm bản đồ Việt Nam bên cạnh Nội kinh đồ - bức đồ hình cổ xưa và bí ẩn trong Đạo gia mô tả về cơ thể con người trong lý thuyết dưỡng sinh.
Nội kinh đồ và Bản đồ Việt Nam
Xét từ góc độ phong thủy, ta sẽ thấy địa hình Việt Nam cũng giống như một cơ thể hoàn chỉnh, được tạo hoá có ý sắp đặt một cách thần kỳ. Bởi thế mà cổ nhân vẫn thường nói: đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến ngàn đời.
Bài viết dưới đây muốn giới thiệu cùng bạn đọc một số danh nhân người Việt nổi tiếng sống ở nước ngoài mà không nhiều người biết đến.
- Danh tướng LÝ ÔNG TRỌNG dẹp giặc Hung Nô khiến Tần Thủy Hoàng nể trọng
Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, gốc làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Ông được dân phong là thánh và lập đền thờ ngay tại quê nhà - Đình Chèm xã Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Đình Chèm
Là một nhà ngoại giao đầu tiên của nước Việt, đồng thời cũng là một danh tướng lừng lẫy có công dẹp giặc ngoại xâm cứu nước, ông không những làm quan to ở nước Việt mà ngay triều Tần (Trung Quốc) cũng phải nể trọng và mời sang làm quan xứ Bắc.
Người ta truyền rằng ông cao hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết.
Thời bấy giờ nhà Tần hay có nạn giặc Hung Nô đánh phá phía bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã cho đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Ông Trọng đi sứ sang nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp Tần trừ giặc. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc TQ hiện nay). Hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần hết sức khâm phục, phong ông làm Vạn Tín Hầu, thưởng hậu và gả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau một thời gian, Lý Ông Trọng vì nhớ quê hương nên xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.
Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần sai sứ sang Âu Lạc mời Lý Ông Trọng. Lý Ông Trọng không muốn đi nên đã trốn biệt vào rừng, vua Thục phải nói với sứ giả rằng ông đã chết. Tần Thủy Hoàng không tin, dọa sẽ đem quân tấn công, đòi tìm được xác của Lý Ông Trọng mới tin. Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông phải tự tử để được chết trên mảnh đất quê nhà. Sau khi tìm thấy xác, biết chắc Lý Ông Trọng đã chết, Tần Thủy Hoàng cho đúc pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là Ông Trọng.
- Hoàng tử LÝ LONG TƯỞNG tướng lưu vong cứu nước Cao Ly
Năm 1226, sau khi nhà Lý sụp đổ, để tránh sự tiêu diệt của nhà Trần và bảo toàn tính mạng, Đô đốc Lý Long Tường - hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông - đã bí mật về Kinh Bắc, vái tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom đồ thờ cúng, vương miện, long bào, bảo kiếm truyền từ đời Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia nhân đến cửa biển Thần Phù ra Biển Đông vượt biên trên ba hạm đội. Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 người. Trên đường đi tiếp đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly. Tương truyền rằng trước đó Vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy vua lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân. Đoàn hải thuyền của ông đã cập bến quận Khang Linh, nước Cao Ly rồi lập nghiệp, sinh sống tại vùng Châu Sơn của đất nước này. Tại đây Lý Long Tường cùng tướng sĩ, gia nhân trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi để sinh sống. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật). Học trò theo học rất đông, lúc nào cũng trên nghìn người.
Từ năm 1231, quân Nguyên - Mông bắt đầu xâm lấn Cao Ly. Năm 1253, chúng chiếm được thành phố Kaesong khiến vua Cao Tông phải chạy ra đảo Kanghwa. Trước tình hình ngày càng nguy kịch, nhà vua đã yêu cầu Lý Long Tường ra giúp sức.
Nhờ có những kinh nghiệm chiến đấu khi còn ở quê nhà, Lý Long Tường cho đắp thành lũy kiên cố, luyện tập binh sĩ thuần thục. Sau 5 tháng vây thành không có kết quả, quân Nguyên - Mông bị bệnh chết đến 1/3, chúng bèn áp dụng kế trá hàng, gửi sang Cao Ly 5 “rương vàng” để tỏ ý cầu hòa nhưng trên thực tế trong đó là những thích khách có vũ trang để ám sát các lãnh đạo của Cao Ly. Biết trước ý đồ của địch, Lý Long Tường cho đổ nước sôi vào kẽ rương rồi sai người mang trả lại cho quân Nguyên - Mông. Khi mở rương, quân xâm lược vô cùng khiếp đảm khi thấy các thích khách của mình bị chết thảm. Dùng vũ lực cũng như mưu kế đều không được, quân Nguyên – Mông đành rút quân trở về nước, và trên đường về đã bị quân Cao Ly phục kích đánh tan tác.
Sau chiến công hiển hách, Lý Long Tường được vua Cao Ly trọng thưởng, cấp cho thái ấp để con cháu đời sau có nơi sinh cơ lập nghiệp. Vì ở Việt Nam có núi Hoa Sơn nên vua đã cho đổi tên Châu Sơn thành Hoa Sơn và phong tước cho Lý công làm Hoa Sơn quân. Hậu duệ Lý Long Tưởng tôn thờ ông làm tổ và dựng một chiếc cổng lớn gọi là Thụ hàng môn (Trung hiếu đường) để khắc ghi công tích và ca ngợi công lao vĩ đại của ông khi đánh đuổi quân Nguyên - Mông.
Trung Hiếu đường do hậu duệ Lý Long Tường xây theo kiểu kiến trúc mái đình Đại Việt tại Bong-hwa - Hàn Quốc)
- Thái giám NGUYỄN AN - Kiến trúc sư trưởng đại tài xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh
Nguyễn An (1381 – 1453) quê ở Hà Đông, người thanh niên VN mang thân phận tù binh, ở độ tuổi 30, đã chỉ đạo thiết kế, xây dựng Tử Cấm Thành - biểu tượng văn hóa cho hàng ngàn năm lịch sử của TQ.
Vốn là người nổi tiếng thần đồng và có biệt tài về kiến trúc, ngay từ khi chưa đầy 16 tuổi Nguyễn An đã tham gia xây dựng nhiều công trình kiến trúc tuyệt tác trong cung vua nhà Trần.
Năm 1407, nhà Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly, xâm chiếm nước ta. Trương Phụ ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly còn bắt hơn 7.000 nghệ nhân đem về TQ, trong đó có Nguyễn An. Nguyễn An khi sang đất Bắc, bị lựa chọn đem đi hoạn, trở thành thái giám trong cung cấm Trung Hoa.
Tại thời điểm đó, Minh Thành Tổ lên trị vì và đang gấp rút cho xây dựng một kinh đô mới ở Bắc Bình, nay là Bắc Kinh. Biết tài của Nguyễn An, vua Minh giao cho ông làm tổng công trình sư. Nhưng với những khó khăn về tiền của cũng như bị sức ép của ông vua khó tính, Nguyễn An phải làm việc rất vất vả ngày đêm. Cuối cùng ông cũng đưa ra được bản thiết kế hợp ý vua: tòa thành có mái xếp tầng tầng lớp lớp, dựa trên ý tưởng chiếc lồng nuôi dế ông đang nuôi. Và đến nay, tòa thành đó được coi như biểu tượng đặc trưng của Tử Cấm Thành.
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh
Ngoài việc thiết kế Nguyễn An còn tham gia quản lý công trình, thi công xây dựng. Tài năng của ông càng được bộc lộ rõ thông qua cách vận chuyển những khối đá nguyên khối về điêu khắc cho hoàng cung. Những phiến đá này nặng gần 80 tấn nhưng Nguyễn An, nhờ óc quan sát tinh tế của mình, đã tìm ra một phương pháp mà đến nay hậu thế vẫn còn thán phục. Nhận thấy khu khai thác đá nằm ở khu vực có nhiệt độ lạnh (khoảng -20oC), ông đã chỉ đạo đào một rãnh nước rộng bằng chiều ngang của tảng đá, sau đó đổ nước sông vào. Nước sông nhanh chóng bị đóng băng, tạo thành một đường trượt dài từ mỏ đá đến kinh thành, dễ dàng di chuyển những khối đá to và nặng về tới nơi xây dựng công trình.
Việc xây dựng thành Bắc Kinh gồm các công trình sau: Nội thành xây dựng hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ và các công thự các ty. Ngoại thành có cửa Chính Dương có một chính lâu, ba gian nguyệt thanh lâu: cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triệu Dương, cửa Phụ Thành, cửa Đồng Trực, Tây Trực và cửa Đức Thắng, mỗi cửa có một chính lâu và một nguyệt thanh lâu. Ngoài các cửa đều dựng bi lâu. Góc thành phía tây dựng giác lâu. Ngoài ra còn phải đào một hệ thống hào xây gạch thoát nước, làm 9 chiếc cầu đá qua hào dẫn vào thành. Khối lượng công việc rất lớn và phức tạp ấy đòi hỏi tổng công trình sư chẳng những có tài về chuyên môn mà phải có tài tổ chức chỉ đạo. Bằng sự tính toán của mình, Nguyễn An chỉ xin 1 vạn binh, trong đó có các tù binh người Việt đang có mặt ở kinh sư để xây dựng. Bằng việc chỉ đạo chính xác, khoa học, toàn bộ công trình kiến trúc đồ sộ ấy đã được hoàn thành trong hơn 2 năm. Vua Minh xem ông như một kỳ nhân, thưởng cho 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấn thóc, 1 vạn quan tiền.
Nguyễn An còn là một chuyên gia trị thủy đại tài, có rất nhiều đóng góp trong các công trình trị thủy sông Hoàng Hà. Những trận lụt lớn vào các năm 1444 và 1445, vua Minh đều đặc phái Nguyễn An đến những nơi xung yếu chỉ huy việc trị thủy. Khi đê sông Hoàng Hà ở vùng Trương Thụ (Sơn Đông) bị vỡ, vua Minh lại phái Nguyễn An đi, chẳng may ông bị bệnh và mất dọc đường. Trước khi mất, Nguyễn An trăng trối: đem toàn bộ của cải của ông góp vào quỹ công, để phát chẩn cho dân ở những vùng bị lụt và những nơi ông chưa tới được.
Mời xem phim tài liệu của Đức:
Nguyễn An - Người thiết kế Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh
hoặc trên VTV4:
Kiến trúc sư bí ẩn người Việt phía sau Tử Cấm Thành
- Thiền sư KHƯƠNG TĂNG HỘI người truyền giáo từ Luy Lâu sang Trung Hoa
Khương Tăng Hội (? - 280) là một thiền sư sinh tại Giao Chỉ và được xem là thiền sư đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Có ý kiến cho rằng ông là Sơ tổ của Thiền tông Việt Nam.
Tổ tiên Khương Tăng Hội gốc người Khương Cư (Trung Á), nhưng đã mấy đời đến ở Ấn Độ. Tới thời cha Hội vì việc buôn bán lại di cư sang Giao Chỉ và sinh sống tại đó. Mẹ Khương Tăng Hội có thể là một cô gái Việt. Khi Hội hơn 10 tuổi, cả cha mẹ Hội đều mất. Ông xuất gia tại một ngôi chùa vùng Luy Lâu Bắc Ninh và tu học rất tinh tấn, giỏi cả tiếng Hán và tiếng Phạn. Ông được dạy dỗ cẩn thận không chỉ ba tạng kinh điển của Phật giáo, mà còn cả sáu kinh của Nho giáo, cả thiên văn đồ vĩ, thậm chí khoa ăn nói và nghệ thuật viết lách.
Năm 247 Khương Tăng Hội lúc ấy khoảng ngoài 30 tuổi, đã đến Kiến Nghiệp kinh đô nước Ngô (nay là Nam Kinh, Trung Quốc) để truyền pháp. Khi Tăng Hội đến Kiến Nghiệp, dựng lều tranh, đặt tượng hành đạo thì các viên chức báo cho Ngô Tôn Quyền. Bấy giờ Tôn Quyền xưng đế Giang Tả, mà Phật giáo tuy đã có nhưng chưa lưu hành rộng rãi. Lúc ấy dân nước Ngô vì mới thấy Sa môn (tu sĩ Phật giáo), thấy hình dáng mà chưa hiểu đạo, nên nghi là lập dị. Tôn Quyền nói: "Xưa Hán Minh đế mộng thấy thần, hiệu gọi là Phật. Kẻ kia thờ phụng, há chẳng là di phong của đạo ấy ư?" bèn cho gọi Hội đến hỏi. Khương Tăng Hội đã thuyết phục thành công Tôn Quyền theo đạo Phật qua việc cầu Xá lợi Phật và cho xây cất chùa chiền. Phật giáo Kiến Nghiệp mười năm sau khi Khương Tăng Hội qua truyền giáo đã phát triển mạnh mẽ trong giới cầm quyền và có một ảnh hưởng nhất định trong xã hội TH, đến nỗi Tôn Lâm phải ra lệnh triệt phá chùa và giết hại các sư. Lệnh ấy không phát huy được hiệu lực của nó, mà dấu hiệu cụ thể và hùng hồn là chùa Kiến Sơ không thấy ghi bị phá và Khương Tăng Hội vẫn sống cho tới tuổi già của mình để mất vào năm 280, hơn 20 năm sau khi Tôn Lâm đã chết.
Ông mất vào năm 280 niên hiệu Thái Khang đời nhà Tấn, như vậy ông đã ở Trung Hoa 33 năm. Vị thế của Khương Tăng Hội trong lịch sử Phật giáo TH trong những thế kỷ đầu là cực kỳ to lớn. Đến thời Huyền Trang, trên vách viện Phiên kinh của chùa Đại từ ân, người ta cho vẽ tượng các nhà phiên dịch Phật giáo TQ xưa nay, và trong số các bức tượng đó có cả tượng Khương Tăng Hội.
Không chỉ làm công việc truyền giáo tại TH, Khương Tăng Hội còn tiến hành sự nghiệp phiên dịch trước tác. Ông cho ra trước tác và dịch thuật tại TH, nhưng thực ra một phần quan trọng của công việc này đã được ông làm tại Giao Chỉ. Những chú thích do Khương Tăng Hội viết cho An ban thủ ý kinh là lấy từ những lời dạy của thầy ông khi còn ở VN. Chính điều này đã cho ta giả thiết là Khương Tăng Hội khi qua Kiến Nghiệp có mang theo một số ghi chép lời giảng của các vị thầy ở VN của ông. Khương Tăng Hội đã phiên dịch hai bộ kinh là Lục độ tập kinh 9 quyển và Ngô Phẩm (Đạo Phẩm) 5 quyển vào đời Ngô chúa Ngô Quyền và Tôn Lượng. Tác phẩm của Khương Tăng Hội gồm 14 bộ, hợp thành 29 quyển.
Theo nhà nghiên cứu Phật giáo Thiền sư GS Lê Mạnh Thát, trong Lục độ tập kinh (được dịch vào năm 251), qua cửa miệng của anh thợ săn, Hội đã nói: "Tôi ở đời đã lâu, thấy Nho gia không bằng Phật tử". Do thế, quan hệ Phật giáo và Nho giáo ngay từ đầu của lịch sử Phật giáo VN đã được xác định một cách minh bạch: Phật giáo như sông biển, còn bảy kinh của Nho gia thì như ngòi rạch, giếng suối, Phật giáo sáng như mặt trời mặt trăng, còn Nho giáo như đèn như đóm v.v. Tác phẩm Lý hoặc luận do Mâu Tử viết và dịch từ ngôn ngữ Việt Cổ sang chữ Hán cuối thế kỷ thứ II khi Hội còn chưa sinh ra, còn đánh một đòn trí mạng vào não trạng Đại Hán của người TQ thời bấy giờ với câu: "Đất Hán vị tất là trung tâm của trời đất". Với tư cách là một Phật tử và là một nhà truyền giáo, Khương Tăng Hội hẳn không thể chấp nhận Nho giáo ngang với Phật giáo. Điều thú vị ở chỗ không chỉ xác định Nho giáo thiếu sót, mà còn đi xa hơn tới việc phủ nhận TQ không còn là "trung tâm" của thiên hạ, là cái rốn của trời đất. Chính bởi được hun đúc trong một học phong như thế, Khương Tăng Hội mạnh dạn cất bước "đông du" hoằng pháp, làm nhiệm vụ khai hóa của mình đối với Kiến Nghiệp, khẳng định một sự thực, mà sau này Lý Giác vào đời Lê Đại Hành đã mô tả một cách ví von và thơ mộng, là "ngoài trời còn có trời" (thiên ngoại hữu thiên), tức là ngoài trời Trung Quốc ra, còn có trời Đại việt.
Khương Tăng Hội đã chứng tỏ một lòng yêu mến tha thiết truyền thống văn hóa và lịch sử người Việt, đến nỗi truyền thuyết Trăm trứng, một truyền thuyết đặc biệt VN nói về nguồn gốc của dân tộc Việt, vẫn không bị Hội cải biên khi dịch Lục độ tập kinh ra tiếng Hán. Lục độ tập kinh tiếng TQ hiện nay không phải là một tác phẩm dịch từ tiếng Phạn, mà là một dịch bản của Hội từ một nguyên bản kinh Lục độ tập tiếng Việt. Về mặt ngôn ngữ, chứa đựng nhiều cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt cổ, hơn nữa còn có yếu tố thói quen ngôn ngữ hình thành từ chính mẹ đẻ của mình, vì thế mới mạnh mẽ như thế để có thể để lại dấu ấn trong tác phẩm.
Ngoài ra Nê hoàn bối có thể nói là một phổ nhạc lời ai điếu của chư thiên trong kinh Niết bàn. Điểm Khương Tăng Hội sáng tạo là biến nó thành một bản nhạc, và trở thành Nê hoàn bối, diễn tả tình cảm nhớ thương vô hạn của những Phật tử khi chiêm ngắm Xá lợi Phật. Ông là một trong những người đặt nền móng cho nền lễ nhạc Phật giáo TH và là một thành tựu kiệt xuất của nền âm nhạc và giáo dục âm nhạc VN và Phật giáo VN.
Điều cần nhấn mạnh là ngay từ cuối thế kỷ thứ II đầu thế kỷ thứ III, dân tộc ta thông qua và kết hợp chặt chẽ với Phật giáo đã xây dựng xong bức tường thành văn hóa có khả năng chặn đứng mọi âm mưu xâm lược và đồng hóa của kẻ thù, mà Khương Tăng Hội là một cột mốc trong bức tường thành đó.
- Thiền sư TUỆ TĨNH đại danh y chữa bệnh cho vua Tàu
Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh là người đã đặt nền móng trong việc xây dựng nên y học cổ truyền. Ông được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam.
Đại danh y Tuệ Tĩnh
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (1330-1400), biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương). Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông chuyên học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.
Năm 55 tuổi (1385) với trí tuệ uyên bác trong ngành y thuật của mình, Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y và được vua Minh phong là Đại y Thiền sư sau khi cứu sống Hoàng hậu nhà Minh lúc đó. Ông qua đời tại Giang Nam TQ nhưng không rõ năm nào. Tuệ Tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông ở TQ vẫn còn dòng chữ "Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với".
Ông đã tổng hợp những kiến thức y dược của mình để viết nên bộ sách Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Những tác phẩm này không chỉ giá trị trong y học mà còn là tác phẩm quan trọng trong lịch sử văn học bởi vì đây là các tác phẩm ở thời kì đầu của văn học chữ Nôm.
Câu nói của ông: "Nam dược trị Nam nhân" thể hiện quan điểm đầy biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: Ông Thánh thuốc Nam! Trong các trước tác của mình ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ trước tiên! Ông cũng phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc. Ông đã nêu ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như: châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v.
Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Có tài liệu cho biết, trong 30 năm hoạt động ở nông thôn, Tuệ Tĩnh đã xây dựng 24 ngôi chùa, biến các chùa này thành y xá chữa bệnh. Ông tập hợp nhiều y án: 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở mọi người chú ý nguyên nhân gây bệnh, tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Ông tóm tắt phương pháp dưỡng sinh trong 2 câu lục bát:
Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình
Tuệ Tĩnh còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của VN. Về Phật học, ông đã giải nghĩa bằng chữ nôm sách Thiền tông Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông soạn.
Tiếc thay, cho đến nay lời di nguyện "Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với" của Tuệ Tĩnh vẫn chưa được thực hiện, ông vẫn phải nằm lại trên đất nước lạ. Và cũng đáng trách thay cho việc một tài năng lỗi lạc như vậy của ngành Y học nước nhà lại bị nhà Trần đương thời dại dột, dốt nát mang đi cống cho triều Minh. Như vậy là từ đời Trần chúng ta đã tự làm chảy máu chất xám của mình.
- HUỆ NĂNG tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa
Phật giáo VN đã ảnh hưởng đến Phật giáo TH rất mãnh liệt mà ít ai thấy được, và trường hợp Huệ Năng là một thí dụ điển hình.
Huệ Năng là người xứ Lĩnh Nam gần biên giới với Nhà Hán (xem bản đồ). Truyền thuyết và vùng đất này có liên quan đến giai đoạn Hồng Bàng cũng như thời nhà Triệu nước Nam Việt và thời Trưng Vương trong lịch sử Việt Nam.
Bản đồ Lĩnh Nam thời Trưng Vương (40-43 SCN) Ảnh Wikipedia
Không giống như những danh nhân đã nêu ở trên, Huệ Năng là một trường hợp đặc biệt khác thường. Ngài không được học tập, dạy dỗ bởi một ai, lại bị người TH coi khinh là dân man di. Ngài không biết chữ, nhưng lại rất thông minh. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, một mình phải kiếm sống bằng cách đốn củi đem ra chợ bán để nuôi mẹ.
Năm 24 tuổi (661) một hôm giao củi xong, Ngài bỗng nghe tiếng tụng kinh, và khi nghe câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (cần phải không có chỗ trụ thì cái tâm ấy mới xuất hiện) tự nhiên tâm Ngài liền sáng tỏ khác thường (kiến tánh). Ngài hỏi người tụng kinh, mới được biết rằng đó là Kinh Kim Cang thỉnh tại Chùa Đông Thiền huyện Hoàng Mai, xứ Kỳ Châu do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn trụ trì và dạy đệ tử trì tụng. Ngài muốn đi cầu Pháp nơi Ngũ Tổ ngay, nhưng ngặt vì còn mẹ già chưa lo xong. Được một người khách cho 10 lạng bạc để dùng tiền ấy xếp đặt việc ăn ở cho mẹ già. Xong việc, Ngài đi bộ gần hai tháng mới tới huyện Hoàng Mai và tham lễ Ngũ Tổ.
Ngũ Tổ hỏi: Ngươi là người phương nào, muốn cầu việc gì? Huệ Năng đáp: Con là dân xứ Lĩnh Nam, ở phương xa tới đây lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật, chẳng cầu việc gì khác. Ngũ Tổ hiểu ý nhưng muốn thử thách thêm: Ngươi là người xứ Lĩnh Nam, là dân man di, thành Phật thế nào được? Huệ Năng liền mạnh dạn trả lời: Người ta tuy có bắc nam chứ Phật tính vốn không nam bắc, thân man di với thân Hòa thượng chẳng giống nhau, nhưng Phật tính có gì là khác biệt. Ngũ Tổ biết đây là người có căn tính thông minh khác thường, lại thấy môn đồ vây quanh, sợ có kẻ làm hại nên bảo Huệ Năng đi xuống nhà dưới làm việc cùng các môn đệ. Hàng ngày bổ củi, giã gạo lại không được học hành nhưng Huệ Năng không hề phàn nàn than thở với ai.
Một ngày kia Tổ gọi các môn đồ lại và dạy rằng: Sinh tử là việc lớn của đời người, các ngươi cứ lo làm việc phước mà chẳng cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi. Các ngươi hãy tự lấy tính Bát nhã nơi tâm mình, mỗi người làm một bài kệ đem lại trình ta. Nếu ai ngộ được thì ta sẽ trao Y và Pháp cho, đặng làm tổ thứ sáu. Trong số đệ tử chỉ có Thần Tú đang làm giáo thọ là đáng bậc được truyền y bát kế thừa Tổ cho nên mọi người ngầm ý để cho Thần Tú làm kệ. Thần Tú viết bài kệ vào vách của mái hiên, nghĩ rằng nếu Ngũ Tổ thấy, cho là được thì Thần Tú nhận của mình, còn nếu Tổ chê thì Thần Tú sẽ vào núi sâu ẩn tích.Thần Tú viết:
Thân thị Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Nghĩa:
Thân là cây Bồ đề
Thân là cây Bồ đề
Tâm như cái gương tỏ
Thường khi lo phủi chùi
Đừng để đóng bụi lọ.
Hai ngày sau, một chú tiểu đi ngang qua chỗ Huệ Năng giã gạo, xướng tụng bài kệ ấy, Huệ Năng nghe qua một lần liền biết bài kệ này chưa thấy bản tính, tuy chưa được thọ pháp, nhưng đã sớm biết đại ý.
Huệ Năng nhờ chú tiểu dẫn đến chỗ có bài kệ và nói: Tôi không biết chữ, xin người đọc cho. Sau đó Huệ Năng cũng làm một bài kệ và nhờ quan Biệt Giá viết lên vách:
Bồ đề bản vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
Nghĩa là:
Vốn không cây Bồ đề
Cũng chẳng đài gương tỏ
Vốn không có vật gì.
Chỗ nào đóng bụi lọ.
Ngũ Tổ thấy mọi người kinh ngac, sợ người ta làm hại, bèn xóa bài kệ đi. Hôm sau, nhân lúc không có người, Tổ tới chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng vì gầy yếu phải đeo đá để đứng trên chày giã gạo, Tổ lấy gậy đánh xuống cối 3 cái, rồi bỏ đi, Huệ Năng hiểu ý. Đúng canh 3 hôm ấy, Huệ Năng lén vào thất của Ngũ Tổ, Tổ bí mật truyền pháp và Huệ Năng liền đạt đại khai ngộ - đốn ngộ. Tổ truyền giáo pháp và Y Bát cho Huệ Năng vào năm Tân Dậu (661), dạy rằng: Nhà ngươi làm tổ đời thứ sáu, phải giữ mình, hãy độ rộng chúng sinh, lưu truyền đạo lý cho đời sau, đừng để đứt đoạn. Ngũ Tổ lại nói: Nhà ngươi nên đi mau kẻo e người ta làm hại. Ngũ Tổ đưa Huệ Năng tới trạm Cửu Giang, rồi bảo Huệ Năng lên thuyền xuôi về phương Nam. Huệ Năng từ biệt Tổ đi về phương Nam, trong hai tháng tới núi Đại Sưu thì phía sau có vài trăm người đuổi theo để đoạt Y Bát. Huệ Năng liền đặt Y Bát trên tảng đá rồi ẩn nấp trong bụi rậm và tự nhiên Y Bát bị dính chặt trên đá nên không ai lấy được. Tuân theo lời Ngũ Tổ, Huệ Năng phải lánh nạn trong 16 năm, sống chung với những thợ săn trong rừng, nhưng không ăn thịt, có dịp thì thả những con thú bị sa lưới, sau đó Ngài mới ra hoằng pháp.
Một thanh niên người Việt nhỏ bé, gầy yếu, nghèo đói, không biết chữ, sinh ra từ mảnh đất phương Nam bị người Tàu miệt thị là dân man di nhưng lại rất thông tuệ, đã trở thành Tổ thứ sáu và là Tổ cuối cùng của Thiền tông Trung Hoa – Lục Tổ Huệ Năng.
Trong Pháp Bảo Đàn Kinh được ghi lại những bài thuyết pháp của Ngài Huệ Năng giảng cho những bậc thiện trí thức. Vì Huệ Năng không biết chữ nên khi thuyết pháp thường là tùy câu hỏi của thính giả đặt ra hay nếu giảng kinh Phật thì phải đọc cho Ngài nghe rồi mới thuyết giảng.
Đấy là sự thay đổi lớn nhất của Thiền tông TH mà có nhà nghiên cứu cho rằng, kể từ đời Sơ Tổ Đạt Ma thì đến đời Huệ Năng mới là Thiền thực sự: Đốn ngộ, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến Tánh thành Phật, Tu hành là để thành Phật chứ không cầu việc gì khác.
* * *
Sống và làm việc ở nơi đất khách quê người, xa quê hương với những lý do khác nhau, ở những quốc gia khác nhau, vào những thời đại khác nhau, tuy nhiên những danh nhân trên đây đều chứng tỏ mình là người gốc Việt, không quên nguồn cội con Lạc cháu Hồng, luôn luôn tưởng nhớ về quê nhà thân yêu của mình. Đặc biệt họ vẫn gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa Việt, không những thế còn truyền bá tinh hoa của dân tộc ta tại các nơi họ cư ngụ và được người bản xứ rất quý trọng.
Nhắc tới chuyện xưa chúng ta lại càng tự hào về các bậc tiền nhân tài giỏi của dân tộc Việt Nam làm rạng danh non sông đất nước.
.
Quang Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét