Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

NHÀ VĂN CÓ "HÈN"?


Phạm Thanh Khương
Thứ năm ngày 25 tháng 2 năm 2021 8:45 AM

Những lúc trà dư tửu hậu, mấy ông bạn thời đánh nhau trên biên giới phía Bắc thường bảo tôi. "Nhà văn các ông hèn. Thời buổi nhiễu nhương mà chả có lấy tác phẩm cho ra tác phẩm. Tuyền một giọng minh họa. Giai đoạn này mà không có được tác phẩm như Đàn hương hình, Báu vật của đời, Nửa đàn ông là đàn bà chứ đừng nói Trăm năm cô đơn thì chả bao giờ có được. Lúc đó đừng mơ".
Phải nghe thế "máu cũng dồn lên mắt", muốn "nhất là bét" cũng chơi. Nghĩ là thế, bực bội bức xúc là thế nhưng khi bình tâm nghĩ lại. Đám bạn "sống chết" nói cũng có cái đúng. Về đêm cứ nghĩ mãi. Không lẽ mình cũng hèn thật. Mà đã là người cầm bút, lại không nói được thân phận con người trong xã hội hiện tại thì hèn thật.
Nghĩ kỹ lại cũng có nguyên nhân của nó.
Thứ nhất là nền tảng văn hóa, truyền thống.
Một thời gian dài và rất dài một thế hệ các nhà văn hiện nay được học và viết theo văn mẫu. Không viết đúng những ý, những điều có trong sách có mà … đúp, trượt vỏ chuối. Cái ăn đút miệng chưa đủ thì lấy đâu ra mà nuôi cho ăn học mãi. Cộng vào đó là truyền thống tư duy, những cái gì đã có, đã đạt được đều là đỉnh cao. Thói quen đi theo sự dẫn dắt, định sẵn, “chỉ một con đường” mà không dám phá rào, đi ngang về tắt. Nếu có trót động chạm đến vấn đề “nhạy cảm”, tuýt còi, là không chỉ bạn bè, gia đình mà cả xã hội xúm vào tẩy chay, ném đá, xua đuổi quá hủi.

Nhà văn vốn là người đã sống cô độc trên trang viết, giờ lại sống cô độc trong bủa vây của dè bỉu, hắt hủi thì chỉ có nước bán xới. Người ta có thể chết vì bệnh, vì đói nhưng người ta sẽ chết vì cô độc trước khi chết bệnh, chết đói. Tư duy “duy nhất đúng” từ những điều giảng dạy cho đến đời sống xã hội ăn sâu bám rễ thành nền tảng, truyền thống mà không dễ phá bỏ.
Chính vì thế, khi cuộc sống cởi mở hơn, dân chủ hơn nhưng thói quen “duy nhất đúng” vẫn đeo bám ám ảnh mỗi khi có ý định “vượt rào” nên sợ lại không dám. Nhất là bài học từ những vấn đề văn chương để lại quả là một vết hằn, dấu vết của đau đớn mà khó ai có thể quên cho được.
Thứ hai là các nhà xuất bản.
Hiện tại có khoảng 55 nhà xuất bản nhưng cũng phải nói ngay, các nhà xuất bản thường là của cơ quan chuyên ngành. Bên cạnh chế tài của Luật Xuất bản, mỗi nhà xuất bản có tiêu chí riêng. Các nhà xuất bản văn học nghệ thuật không nhiều. Những tác phẩm “có vấn đề” không phải mấy nhà xuất bản “dám” duyệt bởi nó liên quan đến “miếng cơm manh áo” không phải của một người mà của nhiều người. Tồn tại hay không tồn tại là cả một vấn đề phải nâng lên đặt xuống của người chịu trách nhiệm của nhà xuất bản khi đặt bút ký. Vẫn biết hiện nay dân chủ mở rộng, và cũng không có bất cứ điều luật nào cấm đoán chuyện viết, chuyện in song nỗi lo về vấn đề ký duyệt những tác phẩm “có vấn đề tư tưởng” không phải không tồn tại. Tác phẩm viết ra, không nhà xuất bản nào duyệt in, “chạy” lòng vòng dăm bẩy nhà xuất bản, nằm vạ trên bàn biên tập, nên mới có tình trạng “in lấy” tặng nhau.
Nói thế cũng mới là một nhẽ. Cuốn nào người viết “gặp” nhà xuất bản thì vô tư. Còn những cuốn “vướng” xuất bản thường rơi vào mấy trường hợp. Quá lạ, quá mới mà người biên tập chưa định hình được nó như thế nào. Quá dung tục và vi phạm chế tài Luật xuất bản. Chất lượng yếu, in ra thành “phá rừng” công khai.
Thứ ba là bạn đọc.
Bạn đọc luôn là người quyết định sự tồn tại của tác phẩm. Người viết có nói thánh nói tướng, có “làm mình làm mẩy” đến đâu mà bạn đọc chấp nhận “mất tiền oan” rồi tác phẩm “may mắn” được nằm im trên giá còn không, đấu giá vỉa hè, trở lại thành bột giấy từ mấy bà thu mua ve chai.
Cũng có tình trạng, bạn đọc “chưa đọc” mà mới chỉ nghe kể nhưng khi “cộng đồng mạng” hoặc có ý kiến này nọ của ai đó là cũng hăng lên, “ném đá cho chết”. Vậy mới có tình trạng, có những cuộc ra mắt sách, có ông lên bục nói trắng phớ. Cuốn này tôi chưa đọc nhưng theo tôi, nó phải thế này, nó phải thế kia. Tài thế. Chưa đọc mà vẫn yêu cầu này kia thì tài, tài thật. Bạn đọc mỗi người mỗi “tạng”. Người thích kiểu này người ưa kiểu khác. Và vì thế, bạn đọc phải tự làm “người tiêu dùng thông minh”, tìm những điều xứng với đồng tiền bỏ ra. Người còn có người rởm thì làm gì chả có tình trạng hàng rởm.
Thứ tư là các nhà phê bình.
Phải nói thật là hiện nay các nhà phê bình văn học “thương” các nhà văn quá. Có nhiều cuốn ra phải nói hộ người viết để bạn đọc hiểu. Có nhiều cuốn khi bạn đọc hỏi phải “né” trả lời vì không biết nói thế nào cho phải. Khổ nhất là phải viết theo “đơn đặt hàng”. Nhiều khi đọc các bài giới thiệu hay bài viết về tác phẩm nào đó sau khi đọc xong tác phẩm chỉ biết “chia sẻ” với nhà phê bình “cả nhà thương yêu nhau”. Tất nhiên là câu chuyện dự báo các khuynh hướng sáng tác thì vẫn phải đợi dù không ít các luận án nghiên cứu về văn học nghệ thuật hàng năm vẫn ra đều đều.
Sau cùng là tài năng của người viết.
Đã là người viết, ai cũng có mong muốn sẽ có tác phẩm hay nhất, ấn tượng nhất và đạt được đỉnh cao nhất. Đó là mong muốn chính đáng và rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, ước mong và tài năng lại là hai vấn đề hoàn toàn khác. Điều mấy ông bạn tôi nói là có lý. Những tác phẩm viết ra vẫn mang tính “hiện thực” và vẫn thủ pháp nghệ thuật “điển hình hóa” bằng cách nhặt từ cuộc sống rồi đưa vào một chỗ, một thân phận. Vẫn biết văn học là nhân học, văn học là “nhặt từ cuộc sống”, ăn mót từ cuộc đời nhưng chưa vượt ra được cái đang nhìn thấy, cảm thấy để nâng lên một tầng tư tưởng mới. Hay nói một cách nôm na là chưa tự vượt lên được chính những gì đang có của cuộc sống và chính tư duy của người viết.
Bên cạnh đó là tâm lý sợ sệt, cứ lo cái mình viết ra không ai hiểu, “đụng chạm” rồi dẫn đến tự “kiểm duyệt”, tự thu mình lại lấy hai chữ “an lành”, “bình yên”, thúc thủ trong cái kén tự mình tạo nên. Rồi chuyện "cơm áo không đùa" với nghiệp cầm bút. Không khỏi có hiện tượng tài năng không đủ cũng “vin” vào đây để biện giải cho việc chất lượng của tác phẩm.
Cũng có nhiều tác giả đạt đến gần ngưỡng của tầm tư tưởng mới thì lại rơi vào “tự mãn”, sự vĩ đại trong cái tôi tự thấy. Và tất nhiên cũng có người do báo chí “tụng ca” rồi đánh rơi mất mình trong ánh hào quang vừa mới hé lộ. Và cũng có tuy không nhiều, người viết được biết đến nhờ báo chí “thổi” cho.
Tất nhiên, trong tất cả những cái “chán đời” này có tôi góp mặt.
Vĩ thanh.
Đây là cái ý tôi muốn nói với mấy ông bạn cứ gặp tôi là “đá xoáy” chuyện văn chương. Có thể tôi nói điều này có nhiều người phật ý nhưng nếu ai thấy mình không phải thế thì coi như những ý này không phải nói mình.
Còn tôi. Tôi thấy mình quả là “có” hèn thật.
(Bản mặt lão ấy đây)
Có thể là ảnh chụp cận cảnh Lù Pò Khương và đang ngồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét