Theo tienphongonline
TP - Đồng nghiệp biết tôi đi phỏng vấn Nguyễn Bình Phương kèo thêm một câu: Nhớ hỏi vì sao sách của anh “khó đọc” thế nhé!. Phương với ấn tượng rụt rè, khó tính, ngại giao tiếp hóa ra đều sai cả trong “tổng hành dinh” của anh: Tạp chí văn nghệ Quân đội. Cuộc trò chuyện chốc chốc lại bị cắt ngang vì đủ thứ sự vụ cần một Tổng Biên tập giải quyết.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Một năm ra hai cuốn sách: “Mình và họ” (tiểu thuyết) và “Xa xăm gõ cửa” (thơ), thấy hai đơn vị làm sách đều kêu là dụ dỗ thế nào cũng không mời được Nguyễn Bình Phương tham gia họp báo, ký tặng sách. Nguyên tắc của anh à?
Tôi hơi ngại đám đông. Cái tạng của mình nó không hợp với những việc như thế.
Tạng của Nguyễn Bình Phương là gì?
Có lẽ hơi u uất một chút!
Trong giới anh cũng nổi tiếng là người lười giao tiếp, họ bảo gặp anh khó lắm?
Tôi vẫn gặp gỡ, uống rượu với bạn bè. Nhưng không ham. Vài ba người tụ tập có thể là tinh túy, nhưng năm người trở lên là nhức đầu.
Anh không có nhu cầu chia sẻ với đồng nghiệp?
Nhà văn cũng chả cần chia sẻ. Có gì thì viết ra thôi. Để mất đi lớp tuyết đầu tiên của suy nghĩ thì chán. Tôi nghĩ thế!
Từ khi lên chức đến giờ, anh viết thế nào?
Bốn tháng rồi, chưa viết được gì mới dù đang rất thèm viết. Tôi vẫn đang sửa chữa một cuốn tiểu thuyết khác.
Một số người thích văn anh thậm chí đã lo anh sẽ bị những sự vụ hành chính làm mất hứng?
Tôi sống bằng nghề chữ nghĩa, chắc là kiểu gì rồi cũng sẽ thu xếp để viết được.
Anh vừa nói đang sửa chữa một cuốn tiểu thuyết, như vậy là nó có thể sắp xuất hiện?
Chưa nói chắc được. Tôi viết khá nhanh nhưng sửa chữa rất lâu. Có cuốn viết mất một năm nhưng sửa mất hai ba năm. Từ bản thảo đầu tiên của tôi đến bản in khác nhau một trời một vực là thường.
Trước khi viết, anh có làm đề cương hay lên một kế hoạch cụ thể?
Không không! Việc viết đối với tôi giống như đi theo một lực hút bí ẩn không biết phía trước là gì. Tôi kệ bản năng dẫn dắt. Để nó trôi dạt, lênh đênh. Khi sửa chữa mới dùng lý trí và kỹ thuật can thiệp vào.
Trong quá trình chìm đắm ấy, những người xung quanh anh có nhận ra là anh đang bị chữ nghĩa “hành” không?
Chắc là có. Bởi vì những lúc ấy trông sẽ hơi phờ phạc. Nhưng viết ra được thì thích. Thấy người khỏe ra.
Trong câu chuyện anh hay bận tâm đến vấn đề sức khỏe, cứ như một dấu hiệu tuổi tác?
Sức khỏe quan trọng chứ. Để tốt cần khỏe, để ác cần khỏe, để chết cũng cần khỏe.
Là một công chức đơn điệu điển hình. Sớm vác ô đi tối vác về.
Hình như còn không thạo internet, vậy nguyên liệu để anh chế biến trong tiểu thuyết lấy từ đâu?
Để nhân vật có mùi, vị, màu sắc nhà văn phải sống, va đập và tưởng tượng tốt. Cũng có thể vì không thạo internet nên nhân vật của tôi không cập thời lắm.
Anh có từng nghe giới phê bình nhận xét văn của anh ảnh hưởng người này người khác?
Ảnh hưởng khó lắm, bắt chước thì dễ. Vì muốn ảnh hưởng phải hiểu được cái lõi, bản chất và tinh túy của người ta, tìm ra được những thứ này ở các thiên tài đâu phải dễ.
Anh đọc vào lúc nào?
Thường tôi dùng toàn bộ buổi tối để đọc.
Anh đang đọc gì?
“Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa và “Người nuôi giữ bồ câu”.
Thực lòng mà nói, công việc viết lách hấp dẫn anh ở điểm nào?
Người ta có thể làm ra rất nhiều thứ mà sau đó những thứ ấy không thuộc về họ. Nhưng văn chương lại khác. Nhà văn viết ra chữ nào thì chữ ấy là của anh ta, chỉ của anh ta. Dù sau đó người ta đọc nó kiểu gì, khuấy đảo, nhào lên trộn xuống ra sao, hay tô son trát phấn, cũng vẫn không cướp được chữ của nhà văn.
Một trong những lý do người ta hay vu cho cái sự khó đọc tác phẩm của anh là vì nó “nhiều u uất”, anh thấy sao? ?
Tâm hồn người ta luôn có một vùng tối. Nếu con người chỉ có mặt sáng thì sẽ là một loài rất đơn giản. Trong lúc ta bắt đầu buổi sáng thì ở một nửa bán cầu còn lại bắt đầu đêm tối. Có lúc nào loài người cùng hưởng một bình minh chung đâu?
Lại nói cái vùng tối ấy ta không diệt hết được vì không chỉ nó có sẵn mà nó còn phát triển hàng ngày hàng giờ. Ta chỉ có thể dò dẫm, cố gắng tìm hiểu, phân tích nó, rồi tìm cách sống chung với nó. Tôi thì tôi cho rằng con người đi đâu rồi cũng gặp lại mình và loanh quanh khám phá cái vùng tối của chính mình thôi. Cuộc sống con người, “xét cho cùng, từ khởi nguồn đến giờ, chưa hề mất đi một cái gì, kể cả sự mông muội” (Mình và họ).
Cũng có một nhà phê bình nói rằng, tiểu thuyết mới nhất của anh “Mình và họ” có u uất lắm đâu, vì nó có rất nhiều đám mây. Những đám mây bay ở bên trên cuộc chiến.
Có nhiều người gặp tôi vỗ vai khen “viết về chiến tranh ác liệt thế”. Nhưng nếu nói “Mình và họ” viết về chiến tranh thì không đúng. Chiến tranh chỉ là một phần nhỏ, một cái cớ để tôi nói những chuyện khác. Như chuyện về sự bàn quan giữa con người với con người, chuyện ác một cách hồn nhiên…
Nhưng mà cũng chẳng sao. Việc hiểu lệch đi của người đọc sẽ kéo dài tuổi thọ cho một tác phẩm. Nếu người ta hiểu một phát đúng luôn thì thế là tác phẩm xong rồi.
Hình như tác phẩm nào của anh xuất hiện cũng hứng nhiều khen chê tranh luận. Trong khi bố vợ anh, ông Hoàng Ngọc Hiến lại chưa từng viết gì?
Cụ không viết gì có cái hay. Tránh đàm tiếu. Mồm thiên hạ là thứ không lường được.
Làm rể một ông bố nổi tiếng, anh có áp lực không?
Không. Mỗi người có một con đường đi riêng. Đời tôi không có thần tượng, vì thế cũng không run rẩy trước người nổi tiếng hoặc có quyền lực cao. Mà này, tôi nghĩ hình như tôi cũng là người nổi tiếng đấy chứ.
“Xa xăm gõ cửa” mặc dù mới in nhưng cũng không phải là tập thơ mới của anh. Bao lâu rồi anh không làm thơ?
Tôi vẫn làm đều. Chỉ có điều cứ ém trong kho, thỉnh thoảng lôi ra nhìn đi ngắm lại, sửa chữa, thêm thắt với khoái cảm thầm kín. Đến khi chán rồi thì mới đem đi in.
Nguyễn Bình Phương tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa IV. Nổi bật ở cả lĩnh vực tiểu thuyết và thơ.Các tác phẩm đã xuất bản:Tiểu thuyết: Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Mình và họ (2014).Thơ: Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa (2014).Hiện Nguyễn Bình Phương là Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét