Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Trên đất
Quảng Ninh ở thời Trần, theo sách sử ( chứ không phải truyền thuyết) để
lại, chỉ có 2 vị tướng tài ba đánh giặc Nguyên lần thứ 3 năm 1288. Đó là Trần
Khánh Dư và Trần Tung. Còn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ 2, năm
1285, theo Đại Việt sử kí toàn thư “Hưng
Vũ vương Nghiễn, Minh Hiến vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương
Hiện đốc suất quân các xứ Bàng Hà ( Hải Dương),
Na Ngạn ( Bắc Giang) Trà Hương ( Hải Dương) Yên Sinh ( huyện Đông Triều, Quảng Ninh ) Long
Nhãn ( Bắc Ninh) cộng 20 vạn quân đến
họp ở Vạn Kiếp, theo sự điều khiển của
Trần Hưng Đạo để chống giặc Nguyên”, ở tuyến trung tâm bảo vệ kinh thành Thăng
Long.
Chúng ta đều biết từ thượng cổ đến nay,
quân xâm lăng phương Bắc đánh vào Việt Nam , nếu qua đường Quảng Ninh, chỉ
qua duy nhất một con đường là đường thủy mà thôi. Không có đường bộ. Cho nên
nhà Trần chỉ bố trí một danh tướng thủy là Trần Khánh Dư, đóng đại bản doanh ở
Vân Đồn là đủ. Trận đánh chìm đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ trên vùng “ Đốn
Sơn lục thủy dương” ( theo Nguyên sử - vùng biển nước xanh Vân
Đồn – không phải Vân Đồn – Cửa Lục, nhất là Cửa Lục, có nghĩa là Bãi Cháy - như
ta ghi sau này ) đã buộc Thoát Hoan phải rút quân về nước và cuộc truy kích
chiến lược vĩ đại của nhà Trần bắt đầu. Hai là Trần Tung trong trận phục kích ở
chợ Đông Hồ ngày 3 /3 năm Mậu Tí ( 1288 ) có ghi trong An Nam chí lược của Lê
Tắc, sử gia giặc, mà tôi đã có bài viết xác định là Chợ Cột sau này, nhưng không
ở vị trí chợ Cột bây giờ. Nhiều sử gia
của ta đã nhầm khi ghi chỉ huy trận này là Trần Quốc Tảng, cháu gọi Trần Tung là
bác ruột, gây ra sự lộn xộn đến tận bây giờ. Thắng lợi to lớn của Trần Tung là
đã buộc kị binh giặc là Trình Bằng ( Phi) và Ta Tru phải rút quân về, do đó ta
mới giữ được bí mật trong việc tổ chức trận địa cọc trên sông Bạch Đằng. Đấy
chính là trận mở màn cho đại thắng Bạch Đằng ngày 8 / 3 năm Mậu Tí ( 1288).
Trần Tung đánh trận này trong hệ thống đường bộ, tuyến Kiếp Bạc – Lạng Sơn,
theo tiết chế của Hưng Đạo vương, không liên quan đến Trần Khánh Dư.
Theo nhà sử học Phan Huy Chú, công lao
của Trần Khánh Dư chỉ đứng sau 3 người là Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật và Phạm
Ngũ Lão. Cha Trần Khánh Dư là Trần Phó Duyệt, có đất phong sau này là ở huyện
Chí Linh, Hải Dương. Thuở hàn vi ông đã sống nhiều năm ở đây.
Đại Việt Sử kí toàn thư ghi Trần Khánh
Dư mất năm Kỉ Mão ( 1339). Điều này tin được. Cũng như Trần Quốc Tuấn và nhiều
vị tướng lớn khác, sử chỉ ghi năm mất, không ghi năm sinh, vì khi mới sinh, các
vị lẫn trong hàng triệu người vô danh. Vậy cuộc kháng chiến chống Nguyên lần
thứ nhất, năm 1285, ‘‘khi quân Nguyên sang cướp, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư
nhân chỗ sơ hở đánh úp, Thượng hoàng khen là có trí lực, lập làm Thiên tử nghĩa
nam” ( con nuôi thượng hoàng Thánh Tông nhà Trần – anh em nuôi với Trần Nhân
Tông ), theo tôi là một điều đáng ngờ. Như vậy năm đánh úp giặc Nguyên, 1258,
Trần Khánh Dư bao nhiêu tuổi ? Nếu năm đó 18 tuổi, Trần Khánh Dư làm tướng, thì
ông sinh năm 1240, mà mất năm 1339 thì ông thọ 99 tuổi ( 1240 – 1339). Trẻ nhất cũng phải như Trần Quốc Toản, 16 tuổi, thì Trần Khánh Dư sinh năm 1242, mà
mất năm 1339 thì ông thọ 97 tuổi ( 1242 – 1339)... Ngày xưa 70 tuổi đã hiếm lắm. Chủ tịch Hồ Chí
Minh, trong Di chúc, trích câu thơ Đỗ Phủ “Nhân sinh thất thập cổ lại hi”
( Người thọ 70 xưa nay hiếm) cơ mà... Các tướng thời Trần ( do ốm mà mất) như
Trần Liễu thọ 40 tuổi ( 1211- 1251), Trần Quang Khải thọ 53 tuổi ( 1241 – 1294) Trần Quốc Tảng thọ 61 tuổi ( 1252 – 1213)...
Khó lòng tin được Trần Khánh Dư đã sống
đến 97 hay 99 tuổi, trong khi sử ghi vị tướng thọ nhất ở thời Trần là Trần Nhật
Duật chỉ đến 77 tuổi. Nếu Trần Khánh Dư
có tuổi thọ bằng Trần Nhật Duật, thì ông sinh năm 1262, nghĩa là sau khi cuộc
kháng chiến thành công 4 năm, ông mới được sinh ra. Cho nên cũng khó lòng mà
tin được là Trần Khánh Dư đã lập công
lớn ở cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất năm 1258. Do đó, ghi điều này
cần phải thật thận trọng, để đảm bảo tính trung thực lịch sử và chỉ có sự trung
thực, mới có độ tin cậy, mới có tác dụng giáo dục đối với mọi thế hệ, nhất là
thế hệ trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét