Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ 5


Kinh Phu Tử (Đài Loan)



21. Thượng Quan Vân Châu, đại mĩ nữ Thượng Hải


*
Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình chủ trì công tác sửa chữa tả khuynh, đề phòng tả khuynh, điều chỉnh chính sách đã có kết quả bước đầu, đỉnh cao của nạn đói đã qua, hàng chục triệu người đã chết vì đói, tình hình đã ổn định. Nỗi đau quá lớn, cần phải tổng kết kinh nghiệm, tiếp tục mở rộng công tác quản lí, làm dịu mâu thuẫn, xoa dịu nhân tâm. Các vị lãnh đạo đề nghị triệu tập Hội nghị công tác Trung ương mở rộng để tổng kết những bài học đau xót, xác lập phương châm, đường lối từ nay về sau. Từ thời trẻ, Mao đã là một tướng công cộc cằn, quen chuyên quyền, độc đoán. Lần này thì Mao không thể qua mặt Lưu Thiếu Kì và những người kia. Đại nhảy vọt khiến cho kinh tế suy sụp, nạn đói giết chết mấy chục triệu người, cơ ngơi của Đảng Cộng sản suýt tiêu vong, liệu còn có gì để nói? Mao đồng ý đề nghị của nhóm Lưu Thiếu Kì, tháng Giêng năm 1961, mời tất cả cán bộ chủ chốt của hơn hai nghìn hai trăm huyện trong cả nước, cộng thêm cán bộ khu, tỉnh, thành phố, các bí thư đảng ủy các xí nghiệp cấp tương đương, tổng cộng hơn bảy nghìn người, về Bắc Kinh dự Đại hội tổng kết, vẫn thường được gọi là “Đại hội bảy nghìn người”

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

SỐ PHẬN MỘT CUỐN SÁCH


Vũ Từ Trang - Văn Giá





Viết xong năn 1974-75, năm 1990, NXB Đà Nẵng mạnh dạn cho in với tên sách "Miền hoang tưởng" với tên tác giả Đào Nguyễn. Ngay khi sách phát hành, nxb và tác giả chịu nhiều hệ lụy của các cơ quan quản lý. Trải qua sau 1/4 thế kỷ, xã hội có nhiều đổi mới, cởi mở, vừa qua, tập sách được in lại với tên sách "Hoang tưởng trắng" thay cho tên cũ "Miền hoang tưởng" và tên tác giả là Nguyễn Xuân Khánh, thay cho tên cũ là Đào Nguyễn.. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có cuộc đời khá chìm nổi. Nhưng văn của ông luôn toát lên vẻ đẹp yêu cuộc sống, luôn hướng thiện, vươn tới vẻ đẹp cao sang của con người. Bộ ba tiểu thuyết lịch sử của ông, là "Hồ Quý Ly", "Mẫu thượng ngàn" và "Đội gạo lên chùa" khi được công bố, sớm trở thành hiện tượng văn học, sách được tái bản nhiều kỳ, được trao nhiều giải văn học có giá trị. Ông còn có tập bản thảo, được anh em viết lách chuyền tay nhau đọc, là tiểu thuyết "Trư cuồng".
Tối qua, 25-10, tại Cà phê thứ bảy (Hà Nội), buổi ra mắt tiểu thuyết "Hoang tưởng trắng" của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, do nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình, được đông đảo các nhà văn, bạn bè thân hữu đến dự.
Qua sự kiện ra mắt tập sách, thêm một niềm tin cho người cầm bút, nếu viết thật tâm với nhân dân, đất nước, thì trước sau, tác phẩm ắt hẳn sẽ có người tìm đọc.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

THÌ CHO HAI CHỮ VÔ THƯƠNG


Trần Nhương



Có kẻ đạo trời, đạo biển

Đạo cả lòng tin bao người
Đạo hết bao dung thánh thiện
Đạo lòng ngay thẳng non tươi
.
Bạn bè đạo câu thơ nhỏ
Lỗi lầm đau cả văn chương
Bao dung bỏ qua lầm lỡ
Cùng dàn bầu bí hãy thương
.
Văn nhân nhỏ nhoi một góc
Thì xin hai chữ VÔ THƯỜNG !
Chiều 24-10-2015

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

BÀI THƠ VỪA VIẾT Ở NHA TRANG

BIỂN

Không bị mất tự do dân chủ
Không giải phóng mặt bằng cưỡng chế đất đai
Sao biển giận xé mình trăm lớp sóng
Oằn toàn thân quật nát bờ dài

Không tình ái ghen tuông thói đời chim chuột
Không ai bôi nhọ thanh danh
Sao biển lại đành hanh tức tối
Để bạc đầu khi tuổi đang xanh

Không ai xâm hại bản quyền đại dương ngàn tuổi
Không ai nhân bản hàng nhái mênh mông
Sao biển nổi khùng ngày đêm la lối
Giật lên giông bão đùng đùng

Không ai cấm vi sa xuất cảnh
Không an ninh ngăn lối ra vào
Sao biển phải chiêu trò ranh mãnh
Thủy triều khi thấp khi cao

Biển là biển... như em vẫn thế
Nếu không biển hóa thành ao
Anh hạnh phúc và đớn đau vô kể
Không mặn mòi anh sẽ sống ra sao ?
                Nha Trang chiều 19-10-2015



Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ 4


Kinh Phu Tử (Đài Loan)

16. Chiếc giường xếp

*
Trong tiêu chuẩn đạo đức văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đền đáp công ơn, cảm tạ ân đức là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ đều truyền vào tâm linh con cái quan niệm đền ơn, để đời sau đền ơn cha mẹ, thầy giáo, cấp trên đã có công đề bạt, biết ơn Hoàng thượng không giết, công ơn lãnh tụ đã giải phóng. Quan niệm đền ơn là sự vận động một chiều, từ dưới lên trên, từ trẻ đến trưởng thành, từ dân đến quan, từ vua tôi đến quần thần. Người đền ơn không có quyền lợi, chỉ có dâng hiến. Điều vô cùng quái dị đó là, Hoàng đế nổi nóng, xuống chiếu đẩy những ai đó ra cửa Ngọ Môn chém đầu, ai đó trên pháp trường trước khi bị đao phủ chém đầu vẫn còn ngoảnh về phương Bắc, quì xuống, ba lần hô vạn tuế, tạ ơn Hoàng đế đã ban cho cái chết.
Quan niệm đền ơn ở tầng cao là hoàng ân dâng hiến. Tập tục cổ xưa này kế truyền cho đến những năm Năm mươi biến thành “trời cao đất rộng không bằng công ơn của Đảng, sông dài biển sâu không bằng ân tình của Mao Chủ tịch”. Trương Dục Phượng đến bên Mao, hàng ngày đối diện với công ơn lãnh tụ còn hơn cả “trời cao đẩt rộng”, “sông dài biển sâu”.
Văn phòng trung ương cho cô chức danh y tá trong tổ phục vụ sinh hoạt của Chủ tịch. Tổ phục vụ sinh hoạt có hơn hai mươi người, bao gồm bác sĩ, y tá, cần vụ, đầu bếp, lái xe. Không khí trong tổ rất nghiêm túc, kỉ luật rất nghiêm minh. Lúc mới đến, Văn phòng trung ương bảo với cô ba điều: thứ nhất, làm việc bên Chủ tịch, tất cả những gì trông thấy, nghe thấy, nghĩ đến, đều là những điều cơ mật tuyệt đối của Đảng và Nhà nước, không được tiết lộ dù chỉ một tị; thứ hai, hạn chế đến mức tối thiểu viết thư về nhà, cho bạn bè, nội dung thư chỉ thăm hỏi, phong bì chỉ đề hòm thư, không ghi địa chỉ; thứ ba, phải trung thành với lãnh tụ, phục tùng mệnh lệnh, mọi hành động đều phải nghe theo chỉ huy.

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

NGUYỄN DU VÀ NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM TRÊN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT


Hoàng Quốc Hải


(Tham luận tại Hội thảo Ảnh hưởng của Nguyễn Du với văn chương hiện đại)

Từ xưa ta chỉ tìm hiểu Nguyễn Du trên cương vị nhà thơ lớn và xoay quanh tác phẩm Truyện Kiều.
Gần trăm năm nay người ta tranh luận triền miên về Truyện Kiều. Đôi khi có những cuộc tranh luận vì động cơ chính trị, người ta cũng mạt sát Truyện Kiều. Nhưng giá trị văn chương và nhân văn của Truyện Kiều ngày càng khẳng định vị trí số một của Truyện Kiều trong lòng công chúng Việt Nam.
Vài chục năm gần đây lại tiến thêm một bước nữa, tìm hiểu Nguyễn Du trên cương vị một nhà văn hóa.
Tuy nhiên, nếu chỉ đóng khung Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều, chắc là ta hiểu Nguyễn Du chưa trọn vẹn. Sự thật, cuộc đời và quá trình chuyển hóa tư duy của Nguyễn Du, được phản ánh khá phong phú và trung thực trong các tác phẩm chữ Hán của ông. Bài viết này nhằm bước đầu tìm hiểu những thăng trầm của Nguyễn Du từ Vị ngã đến Bản ngã và từ Phi ngã tới Giác ngộ và Giải thoát.
TỪ VỊ NGÃ…
Gia cảnh lâm nạn, Nguyễn Du mất chỗ dựa. Đã vậy, đất nước lại rơi vào cảnh loạn ly. Vốn con nhà dòng dõi thế gia lại có học thức, Nguyễn Du cũng lo lập thân, lập nghiệp như các nhà nho khác.
Khi Nguyễn Du vào tuổi cận 30, cũng là lúc Thăng Long rối loạn, nội bộ Lê- Trịnh lục đục, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt Trịnh dưới danh nghĩa phù Lê. Lê Chiêu Thống ngồi chưa ấm chỗ đã đón 29 vạn quân Thanh sang nhằm ổn định đất nước. Thực chất là đất nước có nguy cơ bị chiếm đóng. Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phối hợp với các lực lượng yêu nước do các sĩ phu Bắc Hà tập hợp.Và chỉ trong vòng 10 ngày đã đánh cho 29 vạn quân Thanh tan tác. Quang Trung lên ngôi hoàng đế. Đất nước tạm yên, nhưng chưa ổn.
Năm 1789 khi Quang Trung đại phá quân Thanh, anh vợ Nguyễn Du là Đoàn Nguyên Tuấn hợp tác với Tây Sơn, nên được vời giữ chức Thị lang Bộ lại. Lúc này Nguyễn Du về quê vợ ở Quỳnh Côi Thái Bình, năm ấy ông mới 24 tuổi.

Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

VIẾNG BẠN NHẬT TUẤN


Trần Nhương




Tuấn bảo lên Bình Dương chơi với tớ
Cao su ngút ngát thỏa thuê rừng
Muốn gì có nấy tha hồ sướng
Người lạ ở đây không rửng rưng

.
Bạn mời mà bận chưa vô được
Vẫn ngoái Tân Uyên hẹn có ngày
Nào ngờ Tuấn vội đi như trốn
Cái kiếp trần gian lắm đọa đầy

.
Ngoại 70 mươi rồi đơn lẻ bóng
Mấy thuyền mấy bến vẫn đơn côi
Bỏ lại thị thành danh với lợi
Làm người ở ẩn chẳng nâu sồi

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

NHÀ VĂN NHẬT TUẤN TỪ TRẦN !


TN



Nhà văn Nhật Tuấn vừa qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất ở Sài Gòn lúc 6 giờ chiều, ngày 6 Tháng Mười, 2015. Hưởng thọ 74 tuổi. Nhà văn Nhật Tuấn tên thật: Bùi Nhật Tuấn, sinh năm 1942, tại Hà Nội
Nhà văn Nhật Tuấn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đã in gần 20 tác phẩm gồm nhiều tập truyện ngắn và truyện dài. Tác phẩm đầu tay có tên “Trang 17”, in năm 1978 đoạt Giải nhất Giải Văn Học của Tổng Công đoàn Việt Nam năm 1978. Nhưng tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của Nhật Tuấn là cuốn Đi Về Nơi Hoang Dã in năm 1988.

Trang trannhuong.com và gia đình Trần Nhương xin chia buồn tới gia đình Nhà văn Nhật Tuấn. Cầu mong anh linh bạn Nhật Tuấn mà đông đảo bạn bè yêu quý, về cõi thiên thu thanh thản !

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

TẢN MẠN VỀ NHỮNG YẾU TỐ TÌNH DỤC TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM




Trần Minh Thương


Nghĩ đến tình dục, hay quan hệ tình dục (tiếng Anh: sexual intercourse), còn gọi là giao hợp hay giao cấu, ta thường nghĩ ngay đến việc đưa bộ phận sinh thực khí người nam vào bộ phận sinh dục người nữ.

Gần với khái niệm tình dục, còn có khái niệm “dâm”. Theo tự dạng chữ Hán thì chữ Dâm 淫 viết với bộ thủy, theo nghĩa chiết tự thì chữ nào có bộ thủy là mang ý nghĩa đầm đìa, ướt át, tràn trề, thâm thúy, mê ly, quá sức, quá chừng. Theo Hán - Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì chữ Dâm có ba nghĩa là: quá chừng, không chính đáng và mê hoặc.
Trong văn hoá, tự thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt, con người duy trì nòi giống để phát triển. Trần Ngọc Thêm cho rằng: Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để cho phát triển cuộc sống cần cho con người sinh sôi. Trí tuệ của người bình dân nhìn thấy thực tiễn đó ở một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh và kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam từng tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử, và có tới hai dạng: thờ cơ quan sinh dục và thờ bản thân hành vi giao phối. [tr.234, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp tp HCM, 2006]
Ở cuộc sống hiện đại, nhiều người vẫn chưa có thiện cảm khi nhắc đến hai chữ "tình dục" bởi theo họ đó là điều cấm kỵ, là chuyện riêng của hai người trong phòng ngủ, lôi ra trước bàn dân thiên hạ, bàn tán thì chẳng còn ra cái thể thống gì. Lại có người quan niệm những ham muốn, những ý nghĩ về tình dục là "tội lỗi".
Phải chăng chúng ta chưa thoát ra khỏi lối nghĩ khắt khe theo quan niệm đạo đức thời phong kiến, chưa thật sự "giải phóng" chức năng tình dục, dù đây là một hoạt động quan trọng trong quan hệ vợ chồng, là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của con người.