Lê Chân Nhân
(Dân trí) - Tại buổi tọa đàm “Bạo lực học đường - nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 25/3, một số chuyên gia tâm lý đã hiến kế, trong đó có “kế sách” độc đáo của PGS.TS Mạc Văn Trang.
(Ảnh minh họa - Ngọc Diệp)
PGS.TS Mạc Văn Trang phân tích, đối với các trường hợp học sinh vi phạm bị phê bình, khiển trách, thậm chí đuổi học sẽ không có tác dụng thức tỉnh lương tri, sự sám hối.
Lương tri bị tác động thì mới có cảm xúc và thức tỉnh, người vi phạm mới nhận lỗi và sửa chữa. Về vụ học sinh đánh hội đồng ở Trà Vinh, PGS.TS Mạc Văn Trang đề xuất hình thức xử phạt gọi là “Lễ tạ lỗi”, ông nói: “Ở giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, những em học sinh tham gia đánh bạn thì cần phải quỳ xuống tạ lỗi với em P. và hãy để cho em P. đến từng bạn nói lời tha lỗi. Sau đó, những giáo viên có lỗi thì đến gia đình các em xin lỗi. Sau lễ tạ lỗi này tôi tin em P sẽ thấy mình lớn lên rất nhiều, em sẽ thấy được tư cách, quyền làm người, nhân cách của việc bao dung, tha thứ... Cách làm như vậy để chúng ta giáo dục các em, đã gây ra sai lầm thì phải đối mặt với sai lầm và có sự hối cải. Em bị bạo lực dũng cảm đứng lên, đối diện để hòa giải và yêu thương”.
Bắt những em đánh em P phải xin lỗi là chuyện bình thường, xin lỗi ngay tại buổi chào cờ đầu tuần cũng tốt. Nhưng bắt các bạn đó phải quỳ xuống để tạ lỗi có phù hợp không là việc cần phải suy nghĩ.
Trước đây, ở trong nhiều gia đình Việt Nam, con cái có lỗi với cha mẹ, nếu lỗi nặng thì sẽ bị đánh đòn, cha mẹ bắt lên giường nằm rồi đánh bằng roi. Sau đó, đứa con quỳ, vòng tay xin cha mẹ tha lỗi, lần sau không dám tái phạm. Ở nhiều nhà trường, cũng có việc học sinh vi phạm quỳ gối xin thầy cô tha lỗi.
Chưa biết điều đó có tích cực hay không, nhưng về sau càng ngày, ở trong gia đình và nhà trường, không còn hoặc rất ít trường hợp người vi phạm quỳ gối xin lỗi cha mẹ hay thầy cô. Có thể vì bỏ đi tập quán “tạ lỗi” này mà đạo đức ngày càng suy đồi?
Nay, PGS.TS MạcVăn Trang đề xuất “Lễ tạ lỗi” đối với học sinh vi phạm kỷ luật, cụ thể là đánh nhau, và cho rằng đây là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn bạo lực học đường.
Theo phân tích của PGS Trang, em học sinh bị bạo lực khi được xin lỗi sẽ tự thấy lớn lên rất nhiều, sẽ thấy được tư cách, quyền làm người. Đây là góc nhìn rất sâu, bởi vì thường các em bị bạo lực sẽ rất mặc cảm, tự ti, thấy mình thua người khác, tâm lý sợ hãi ảnh hưởng đến việc học hành, giao tiếp. Nếu như được xin lỗi công khai, các em sẽ tự tin hơn, đây cũng là biểu hiện của “quyền làm người”.
Nhưng về phía các em bị bắt quỳ để thực hiện “Lễ tạ lỗi” thì sao? Các câu hỏi đặt ra là chưa hẳn các em thấy thức tỉnh lương tri mà có thể xem là bị hạ nhục trước toàn thể thầy cô và học sinh. Nếu như có em nào đó không thức tỉnh, mà quay lại trả thù vì mình bị bắt quỳ trước một học sinh khác thì sự phản kháng đó còn nguy hiểm hơn.
Cho nên, đề xuất xin lỗi công khai là rất thuyết phục, ví dụ như các em học sinh đánh bạn thì tổ chức xin lỗi, hai bên bắt tay nhau, hòa giải, tha thứ, hứa lần sau không thù hằn, tái phạm. Đề xuất bắt quỳ gối tạ lỗi cần phải nghiên cứu thêm.
Rất mong các bạn đóng góp ý kiến.
Lê Chân Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét