Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

SÔI SỤC 6.700 CÂY - VẤN ĐỀ NHÀ NƯỚC VỚI DÂN


TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

*Phần 1: Tham khảo vụ kiện thắng chính quyền Berlin

Một cây xanh lớn còn rất tươi tốt bị chặt trên đường
Nguyễn Chí Thanh ngày 19/3/2015
Ảnh: Nguyễn Hưởng/NLĐ

Cách năm trước, để xây dựng toà nhà ở và kinh doanh tại phố Crellestraße ở Berlin-Schöneberg, chủ nhà được Sở Xây dựng cấp phép cho hạ đốn 3 cây cổ thụ của họ trên điạ điểm đó, dự kiến vào đầu tháng 7.2013. Khi biết được quyết định trên, lập tức một hiệp hội bảo vệ thiên nhiên đâm đơn kiện khẩn cấp lên Toà án Hành chính Berlin, đòi ra án quyết khẩn không cần mở phiên toà hủy bỏ giấy phép đó, bằng cách viện dẫn Luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang cấm đốn hạ cây (bất kỳ của tư nhân hay công cộng) vào thời kỳ thực vật sinh trưởng ở Đức từ 1.3-30.9 hàng năm. Với án quyết số VG 24 L 249.13 ngày 10.7.2013, Toà bác bỏ đơn kiện với lập luận, một hiệp hội bảo vệ thiên nhiên không có thẩm quyền kiện ở Tiểu bang, mà lại dựa theo Luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang. Hiệp hội kháng án khẩn lên Toà hành chính Tiểu bang Berlin-Brandenburg. Ngày 19.7.2013, Toà này ra án quyết khẩn số OVG 11 S 26.13, đứng về phiá nguyên đơn, phán: Luật tiểu bang dù đứng trên góc độ phối hợp các luật hay đứng trên góc độ bảo vệ loài sinh vật trong luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang đều không được phép ngăn cản quyền tham gia của các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên quy định trong Luật bảo vệ thiên nhiên của Liên bang. Luật Liên bang cho phép các hiệp hội bảo vệ thiên nhiên được phép kiện những vi phạm quyền bảo vệ thiên nhiên, nên không hề mâu thuẫn với luật tiểu bang. Luật Liên bang cũng không có ngoại lệ đối với quy định cấm chặt cây trong thời kỳ thực vật sinh trưởng. Công trình xây dựng cá nhân được cấp phép không có nghĩa bất chấp lợi ích công cộng, khi chọn thời gian xây dựng đúng vào thời kỳ sinh trưởng thực vật.



Vậy mối quan hệ giữa nhà nước (1- Cơ quan hành chính, 2- Toà án) với nhân dân (3- Chủ tư nhân, 4- Hiệp hội) với đối tượng 3 cây xanh ở họ như trên, có gì khác vụ chặt đồng loạt 6700 cây đường phố Hà Nội sôi sục cả chính quyền thành phố lẫn người dân hiện nay?
*Phần 2 Tóm lược quy trình dẫn tới chặt đốn đồng loạt 6700 cây ở ta
Theo UBND Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát, đa dạng với khoảng 70 loài. Trong đó, nhiều cây cổ thụ từ thời Pháp thuộc có dấu hiệu hỏng, dễ đổ gãy khi mưa bão. Nhiều cây không thuộc cây đô thị, hoặc cong, xấu… ảnh hưởng đến mỹ quan. Từ đó, Thành phố chỉ đạo tổng kiểm tra, lập đề án, huy động vốn, thay thế. Đề án cải tạo do Sở Xây dựng đề xuất và triển khai được phê duyệt bởi Quyết định số 6816/QĐ-UBND của Tp Hà Nội ngày 11/11/2013, cho phép thay thế 6.700 cây (tỷ lệ 5,58%), trên 190 tuyến phố, trong 3 năm 2015-2017. Dự toán kinh phí tới 60 tỷ đồng, và được hỗ trợ tài chính bởi các doanh nghiệp, tổ chức.
Quy trình hành chính trên được vận hành tự động, tuần tự từ Ủy ban, Sở ban ngành, tới doanh nghiệp thực hiện, được bảo đảm bằng các biện pháp nghiệp vụ “tại mỗi tuyến phố trồng thay thế cây gì, chủng loại ra sao đều được tư vấn, khảo sát nghiên cứu kỹ trước khi triển khai“ (trích lời Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục).
*Phần 3 Hệ quả 2 quy trình ở ta và Đức
Hai quy trình chặt cây hai nước đều trải qua các công đoạn hành chính tương tự nhau, đệ đơn, thẩm định, ra quyết định, thực hiện. Tuy nhiên ở quy trình họ, giấy phép chặt cây vi phạm Luật bảo vệ thiên nhiên chỉ mới trên giấy tờ, mức độ chỉ 3 cây. Còn hệ lụy ở ta, không thể tái tạo bù đắp được ngay một phần môi trường sống cùng cảnh quan đô thị đã bị hủy hoại, với khoảng 2.000 cây bị đốn hạ đồng loạt, trong đó có 451 cây cổ thụ, cây có giá trị, cây không có dấu hiệu hỏng, thuộc 12 tuyến phố của 04 quận nội thành.
*Phần 4 Bài học từ nguyên lý nhà nước pháp trị hiểu theo nghĩa phổ quát
Pháp trị là một khái niệm khoa học, có thể hiểu nôm na, “nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép“. Nói hình tượng, luật là tiền đề giống như đường ray đối với tầu hoả, buộc bộ máy nhà nước phải vận hành trong giới hạn những chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự nó đưa ra. Sở dĩ giấy phép chặt 3 cây ở Đức vi phạm luật được hủy trước khi thực hiện, bởi: 1- Do Luật Liên bang bảo vệ thiên nhiên điều chỉnh, và 2- Bị Toà án chế tài bằng án trát. Luật đó có 41 chương với 74 điều, đưa ra chế tài phạt hành chính từ 25.000 Euro tới 50.000 Euro; ủy quyền cho các tiểu bang, điạ phương tự ra các văn bản luật riêng. Như Luật bảo vệ cây cối tiểu bang Hamburg, Điều 2 cấm phá bỏ, hay gây hại cho cây, vườn cây, hiện trạng (không phân biệt cây tư nhân hay công cộng). Đốn hạ, chặt cành, đào rễ đều phải xin giấy phép (như trong xây dựng). Điều 3 đưa ra các trường hợp ngoại trừ, không thuộc diện bảo vệ gồm những cây có đường kính dưới 25 cm cao 1,3 cm. Điều 4, giấy phép chặt cây chỉ được cấp vì lý do an toàn giao thông, dự án xây dựng được cấp phép, hay ảnh hưởng tới nhà cửa… Thủ tục cấp giấy phép chặt cây như luật tiểu bang Hannover quy định phải đệ đơn tại Sở bảo vệ môi trường và cây xanh. Sau khi thẩm định cây đó, Sở sẽ quyết định cấp giấy phép hay không, và hướng dẫn con đường pháp lý chống lại nếu không được chấp thuận.
Trong khi đó, ở ta không hề có luật bảo vệ cây xanh, chỉ có các văn bản lập quy. Văn bản lập quy cao nhất bảo vệ cây xanh ở ta là Nghị định 64/2010/NĐ-CP. Theo đó, 1- Chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị chỉ được tiến hành trong các trường hợp: a) Cây đã chết, bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. 2- Phải có giấy phép khi chặt hạ và dịch chuyển với một số loại cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn, cây bóng mát hè phố, cây bóng mát có chiều cao 10 m trở lên… Chuẩn mực văn bản trên sát với luật bảo vệ cây xanh ở Đức mặc dù chỉ giới hạn trong phạm vi cây công cộng.
Đáng tiếc, 6700 cây được Quyết định số 6816/QĐ-UBND Tp Hà Nội cho phép đốn hạ, không phải tất cả đều nằm trong điểm a), b) c), và không có giấy phép ở điểm 2, rõ ràng vi phạm Nghị định 64/2010/NĐ-CP. Nhưng ở ta lại không có toà án hành chính, hiến pháp, để hủy bỏ các văn bản lập quy mâu thuẫn với văn bản luật trên nó. Nên nó vẫn trở thành căn cứ pháp lý, chuẩn mực thước đo, để Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, “chủ trương (đề án) chặt, thay thế 6700 cây xanh là đúng“, được hiểu đúng với Nghị định 6816/QĐ-UBND mặc dù vi phạm Nghị định 64, và gây ra hệ lụy to lớn nêu ở phần 3.
*Phần 5 Tiếng nói của người dân trong một nhà nước dân chủ
Nhà nước dân chủ được mặc định của dân do dân vì dân. Vì vậy, một khi văn bản luật hoặc bộ máy hành xử không bảo đảm, hoặc vi phạm lợi ích người dân, công cộng, mà vẫn được cho là đúng luật pháp, thì muốn thay đổi người dân buộc phải phản ứng, như trường hợp Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên kiện đòi hủy giấy phép chặt 3 cây xanh ở Đức thành công. Hội này chỉ là một trong hơn nửa triệu hiệp hội hình thành nên xã hội dân sự Đức, được Luật Liên bang bảo vệ thiên nhiên, Điều 63 và 64 thừa nhận:1- Họ được tham khảo ý kiến khi nhà nước ban hành luật hay ra quyết định hành chính liên quan; 2- Có quyền đệ đơn kiện khi thấy luật bị vi phạm.
Một khi xã hội dân sự được luật pháp thừa nhận vai trò như vậy, thì phản ứng của họ và người dân sẽ giúp được bộ máy nhà nước tự điều chỉnh đúng với chức năng công bộc của dân.
Trong khi đó, ở ta không hề có hiệp hội độc lập bảo vệ thiên nhiên, cây xanh. Do hệ lụy to lớn nêu ở Phần 3, cá nhân ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đã buộc phải gửi thư ngỏ tới Chủ tịch Uỷ ban Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo, có thể được coi là manh nha của một xã hội dân sự vốn chuyên tập hợp những người thiện nguyện, hy sinh thời gian công sức, tâm huyết, không cần thù lao, không hề vì lợi ích riêng họ. Kiến nghị thiện chí của ông được dư luận hưởng ứng: – Tạm dừng việc hạ chặt cây để người dân tự kiểm tra. – Có đúng 6700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không? – Thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể…
Bản chất xã hội dân sự hoàn toàn vì lợi ích thiết thực của người dân, nên lan toả nhanh. Tiếp đó là thư ngỏ của một tập thể gửi HĐND, CT Thành phố, GĐ Sở Xây dựng, bổ sung thêm: – Đề nghị Sở Xây dựng và cơ quan chủ trì dự án công bố toàn bộ thông tin chi tiết, kèm Tờ trình số 8452/TTr-SXD và các tài liệu liên quan… trên cổng thông tin điện tử thành phố. – Công bố danh sách các cây xanh bị đưa vào diện sẽ bị chặt hạ thay thế trên từng tuyến phố, theo mã số quản lý cây xanh đô thị.
Cùng với thư ngỏ, bao nhân sỹ trí thức ủng hộ lên tiếng, GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Lân Dũng, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nghệ sỹ ưu tú Chiều Xuân, … Người dân cũng tụ tập căng biểu ngữ, hay viết lên cây, chụp ảnh, kêu gọi cứu chúng, bảo vệ môi trường sống.
*Phần 6 Vai trò chính khách
Nếu nhân sỹ, trí thức, thiện nguyện đóng vai trò nòng cốt trong xã hội dân sự giúp nhà nước tự điều chỉnh, thì chính khách đóng vai trò cầu nối tác động tới cả hai phiá để cùng đi tới đồng thuận. Đáng tiếc trong vụ chặt đồng loạt 6700 cây, vai trò đó thậm chí gây thêm bất bình dân chúng, làm giảm uy tín nhà nước, khi ông Phan Đăng Long trả lời báo chí về kiến nghị của ông Trần Đăng Tuấn, sai cả nguyên lý của một nhà nước dân chủ pháp quyền: “Chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân? Vậy tôi xin hỏi, đất nước bây giờ động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì?“. Hay Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp báo ngày 20.3, thay vì truyền tải ý kiến trả lời của mình qua báo giới tới công chúng thì cho kết thúc cuộc họp, bỏ ngỏ 21 câu phỏng vấn. Trong khi ở Đức bất kỳ đơn từ của ai gửi tới, cơ quan công quyền đều phải hồi âm thông báo mã số, trình tự thời hạn giải quyết và con đường pháp lý nếu không thoả mãn; riêng quốc hội còn phải lấy ý kiến của mọi bên liên quan, và trình Quốc hội thông qua.
Ở các nước hiện đại, chính khách được coi là gương mặt thước đo uy tín của đảng, nhà nước, luôn được chọn lọc, đào thải từ bề dày hoạt động chính trị của họ, chứ không thể đào tạo. Cựu Tổng thống Köhler cách 2 nhiệm kỳ trước buộc phải từ chức chỉ vì phát biểu một câu trước quân đội Đức đồn trú tại Afghanistan sai hiến pháp: “Gửi quân đội sang Afghanistan để bảo vệ lợi ích kinh tế Đức“, bị chính trường phản đối dữ dội. Tới Tổng thống kế nhiệm Wulff rốt cuộc cũng phải từ chức, khởi đầu chỉ do báo chí phát hiện trước đây ông trả lời chất vấn trước quốc hội tiểu bang khẳng định không có quan hệ với 1 doanh nhân, sau này bị phạt hiện ông từng vay tiền doanh nhân này mua nhà. Văn hoá từ chức giúp người dân yên tâm với đội ngũ chính khách đương nhiệm vốn luôn được tinh lọc. Còn ở ta? Chính khách đặt uy tín Đảng, Nhà nước hay chức vụ mình lên trước? Người dân đang thấp thỏm chờ kết cục vụ đốn hạ 6700 cây xanh này!
*Phần 7 Hiệu quả điều chỉnh chính sách trước xã hội dân sự
Tới sáng 20.3, kết luận của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp Ủy ban, đã giải toả được bước đầu bức xúc đòi hỏi của người dân: – Yêu cầu các đơn vị liên quan tạm dừng chặt hạ. – Những cây đã hạ chuyển đi thì trồng ngay cây thay thế. – Phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch. – Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, khác với vụ cấp giấy phép đốn 3 cây xanh ở Đức sai luật đã được kịp hủy trước khi có thể gây hệ lụy, ở ta để Chủ tịch thành phố đi tới kết luận trên, thì thiệt hại đã xảy ra không thể làm lại, mà nguyên nhân sâu xa chính nằm ở nguyên lý mối quan hệ nhà nước với dân. Trong rủi có may, nạn nhân chỉ là cây xanh, không bị nhìn nhận dưới nhiều góc độ mang tính nhạy cảm chính trị, ý thức hệ như con người, nếu không chưa biết diễn tiến sẽ phức tạp như thế nào?
Nguồn: Tia Sáng



1 nhận xét:

  1. Bài viết chặt chẽ, thuyết phục. Cám ơn tác giả. Xin phép chủ trang cop về trang cá nhân cho nhiều người cùng đọc!

    Trả lờiXóa

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...