“Hà Nội cần cây xanh, cần thêm cây xanh, và cần nhiều loại cây xanh. Chúng tôi không cần "cây đồng phục". Cây đã đứng đó vì bạn, bao năm nay. Đã đến lúc bạn, chúng ta, lên tiếng vì cây."
Khi trên trang sách giáo khoa xuất hiện câu chuyện về một chàng Thánh Gióng lạ so với truyền thuyết, thì lập tức, đã vấp ngay phải sự phản ứng của xã hội, dù ai cũng biết Thánh Gióng là một nhân vật hư cấu, mang giá trị biểu tượng tinh thần. Và (về lý thuyết) đã là hư cấu thì ai cũng có quyền để trí tưởng tượng của mình bay bổng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi có lẽ sẽ không thể ngờ Thánh Gióng do ông biên tác lại bị phản ứng vì ‘đụng đến hồn cốt dân tộc’ ‘đụng đến giá trị tinh thần’ đất nước.v.v…
Nhưng có một ‘Thánh Gióng’ khác rất cụ thể, rất rõ ràng, hiển hiện trước mắt và đang bị “giết” trước mắt hàng triệu người dân, đó chính là những hàng cây xanh cổ thụ, đã chứng kiến nhiều thế hệ người Hà Nội sinh ra và lớn lên.
Nếu nói giá trị tinh thần là giúp tâm hồn con người bay bổng thăng hoa, là nơi người ta hướng về, là những kỷ niệm ăm ắp “khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” thì những hàng cây đẹp đẽ khắp phố phường Hà Nội chính là hình ảnh biểu trưng cho một “Thánh Gióng tinh thần” làm thăng hoa tình yêu quê hương và lòng tự hào của người Hà Nội.
Những hàng cây đẹp đẽ đã đi vào tâm thức của người Hà Nội, không hề có dấu hiệu "sâu mọt" "gãy đổ". Ảnh chụp chiều ngày 17/3/2015.
Và Thánh Gióng đang bị… giết, vì một lý do đơn giản: “cây xanh trồng trên đường phố cũng rất tạp, có rất nhiều cây đổ, gây tai nạn”, như cách giải thích của ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội. Và “có 3 chủ trương: một là thay thế các tuyến cây, có thể cây không phải sâu mọt mà không đúng chủng loại, cây người ta nói không nên trồng ở đô thị....".
Những lý do để đốn hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội nghe ra thật đáng ngỡ ngàng.
Nhìn những cây xanh khoẻ mạnh, thẳng tắp, bị cắt xẻ không thương tiếc nằm trên đường, rồi lắng nghe những cảm thán xót xa phẫn nộ trên mạng xã hội, để thấy rằng ‘Thánh Gióng’ của họ đang tổn thương đến cỡ nào. Và đâu chỉ xót xa tinh thần, mà cả giá trị vật chất. Những hàng cây đứng đó là tài sản chung. Người dân có quyền được biết hàng loạt cây xanh bị đốn hạ xuống kia, với rất nhiều cổ thụ có giá trị quý, sẽ được dùng vào việc gì?
Những hàng hoa sữa bên đường Nguyễn Du, hàng cây sấu dọc Phan Đình Phùng, hàng bằng lăng bên đường Kim Mã chắc hẳn đã đi vào những trang thơ, nhật ký của bao thế hệ, chứng kiến bao mối tình Hà Nội. Hàng cây ven hồ Tây ở ‘con đường hôn’ đựng đầy kỷ niệm tình yêu của không biết bao cặp đôi; hay hàng xà cừ lâu đời trên phố Hoàng Diệu mới đây còn che bóng mát cho dòng người vô tận đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những hàng cây đã đi qua mưa bom bão đạn chiến tranh; rồi những hàng sấu hoài niệm đã đi vào bao bộ phim truyện về người Hà Nội…
Những cái cây không nói nhiều lời, những cái cây khiêm nhường, chỉ lặng yên đứng đó thôi, mặc cho các cô cậu học trò có khắc lời nỉ non kỷ niệm lên vỏ cây, mặc cho người tụm năm tụm ba đốt lửa bên gốc những ngày đông lạnh… Cây đứng vậy, rộng rãi cung cấp oxy, bóng mát và chiếc áo xanh cho đô thị đang ngày một chen chúc, ô nhiễm và bê tông hoá.
Và cây đang bị giết!
Trong quý 1/2015 phải đốn xong 6.700 cây xanh, nghĩa là chỉ vài tuần nữa thôi, nhạc sĩ Phú Quang sẽ không còn chỗ để ngắm “Hà Nội mùa này trời không buông nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô” vì đến cành cây tươi cũng chả còn.
“Đốn củi ba năm, đốt một giờ. Trồng cây hàng chục, hàng trăm năm, đốn bỏ chỉ trong vài giờ. Qúa dễ dàng, và quá nhẫn tâm” như lời cảm thán của nhà văn Dạ Thảo Phương trên mạng.
“Hà Nội cần cây xanh, cần thêm cây xanh, và cần nhiều loại cây xanh. Chúng tôi không cần "cây đồng phục".Cây đã đứng đó vì bạn, bao năm nay. Đã đến lúc bạn, chúng ta, lên tiếng vì cây."
Tôi chia sẻ lời kêu gọi của Dạ Thảo Phương.
Nguồn tuanvietnam
Hoàng Hường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét