Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Ý TƯỞNG VUI NGÀY XUÂN

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

        Năm Ất Mùi – 2015, được xem là năm bản lề cho sự chuyển động lớn về các mối quan hệ Đông – Tây. Nhân đây, qua bài ca dao Thằng Bờm, tôi xin có đôi lời bình giải về cái cười bí ẩn của Bờm – một tên gọi nôm na rất Việt Nam trước “nắm xôi”, kết cục trò chơi đầy trí tuệ với Phú Ông, tên gọi theo chữ Hán - Tung Quốc, qua góc nhìn Kinh Dịch.
          Tiếng cả “cười” của anh Bờm dân gian mang kết thúc có hậu, như một truyền chú của tổ tiên, có thể là một gợi ý thú vị cho cuộc đấu tranh nhằm giữ vững quyền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. ĐTK


 “THẰNG BỜM” 
QUA GÓC NHÌN KINH DỊCH

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú Ông xin đổi ba bò chin trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú Ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú Ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú Ông xin đổi hòn xôi, Bờm cười.



          Bình:
          Trước hết về danh xưng hai tên gọi nhân vật Bờm và Phú Ông. Bờm, là cái tên nôm, thuần Việt, và Phú Ông lại là cái tên đặt theo chữ Hán – Trung Quốc. Vì sao? Rõ ràng dân gian, trong cách đặt tên nhân vật cho bài ca dao này, phải có ý tứ riêng.
          Bờm là một anh nông dân, cái “quạt mo” vật chứng chỉ rõ điều đó. Do vậy khi Phú Ông đem trâu, bò (con trâu là đầu cơ nghiệp), ao sâu (ruộng cả, ao sâu), gỗ lim (vật liệu quý để làm nhà) ra đổi chác là ông ta biết đem cái cần lớn trao đổi rất đúng đối tượng. Vậy điều khó hiểu: Phú Ông, hơn ai hết là người hiểu rõ giá trị hàng hoá trong trao đổi và là loại người thường chỉ trao đổi khi có lợi, vậy cái quạt mo của Bờm là cái gì ? Câu trả lời, “quạt mo” là vật mang tính biểu tượng. Và quạt thường chỉ dung vào tiết trời hè oi bức. Mùa hè thuộc thời của quẻ Ly. Ly vi hỏa, ứng về phương Nam, phương ở của người Việt.
Cuộc trao đổi diễn ra 5 lần. Tuần tự các lần được cài đặt đan xen giữa thực và ảo, âm dương, ngũ hành.

Về tính thực - ảo.
          Nếu thấy lần đầu Phú Ông đặt giá ba bò chín trâu là số hàng hoá thực và lớn thì đến lần thứ 2, thứ hàng hoá đưa ra là ảo, khó định lượng: ao sâu cá mè. Mè là loại cá ăn ở tầng nổi nên cái “ao sâu” ở đây không có giá trị nhiều. Vả lại, cá còn ở dưới ao thì biết nhiều ít ra sao. Tiếp tới lần trao đổi thứ 3 lại thấy xuất hiện con số hàng hoá thực: ba bè gỗ lim. Và sang lần thứ 4 lại là thứ hàng ảo: con chim đồi mồi. Thật là chim trời cá nước!

Về tính âm – dương, tượng số. 
          Phú Ông chỉ đưa vật trao đổi qua những con số lẻ - số thuần dương. Theo sách Dịch, số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 là số thuộc dương. Số chẵn 2. 4, 6, 8, 10 là số thuộc âm. Với các số Phú Ông đem ra trao đổi, là: 3 bò, 9 trâu, ao sâu cá mè (cách nói về “ao” này tương ứng với số 1) đến 3 bè gỗ lim và con chim đồi mồi (là số 1 và 3). Cuối cùng, lần thứ năm, con số đưa ra vẫn chỉ tương ứng với số 1: hòn xôi. Quá trình trao đổi cho thấy toàn các số dương: 3, 9, 1 và “năm lần” là số 5 (chỉ thiếu số 7). Dịch nói, nhất âm nhất dương thành đạo. Âm - dương giao hoà vạn vật mới sinh sôi nẩy nở. Từ cổ xưa con người đã hiểu điều này. Vậy sao trước đối tác trong cuộc trao đổi hàng hoá Phú Ông chỉ đưa ra trao đổi các con số một bề - thuần dương, trong khi ông ta hoàn toàn có thể đưa ra số thuộc âm, ví như “Phú Ông xin đổi đôi chim đồi mồi” chặng hạn? Đúng là những con số dương đơn độc không thể tạo nên sự sinh trưởng. Những con số của sự chết!

Về số Ngũ hành.
           Ngay từ câu mở đầu - vật chủ của cuộc trao đổi, cái “quạt mo” lấy từ cây cau, đã đưa hành mộc xuất hiện. 
          - “ba bò chín trâu”, trâu bò được nhà nông gọi là ông Địa – hành thổ. Và “hòn xôi” cũng thuộc hành thổ. 
          - “ao sâu cá mè”, ao – nước, hành thuỷ. 
          - “ba bè gỗ lim” – đinh, lim, sến, táu, loại gỗ trong nhóm tứ thiết, “thiết” nghĩa chữ Hán là sắt – hành kim. 
          - “Con chim đồi mồi” tượng trưng cho hành hoả. Chim đồi mồi có hình dạng giống rùa, ba ba, có màu huyết dụ hoặc vàng đen. Tám đơn quái  trong Dịch chỉ quái Ly có tượng động vật là rùa, ba ba. Ly vi hỏa. 
          Thứ hàng hoá cuối cùng được Phú Ông đưa ra là “hòn xôi”
          Xôi, thứ cơm ăn có nguồn gốc từ cây lúa nếp. Cây thuộc mộc, khi nấu thành xôi thì hòn xôi đã chuyển thành hành thổ. Và để từ nguyên liệu hạt gạo - cây lúa, nấu thành xôi, tất nhiên phải qua sự kết hợp cửa nước - thuỷ và lửa - hoả, không khí – phong. 

           Và phải tới kết cục “hòn xôi”, lần trao đổi thứ 5, số “5” ứng với vị trí trung cung trong đồ Hậu thiên bát quái – Dịch, và chỉ có vị trí trung cung, “thuộc tượng số 5 và 10” mới đủ sức làm một bản tổng hội trong nó đủ ngũ chất, nhị tính, thực ảo, lớn bé, thật giả, các yếu tố căn bản của bản chất đời sống, bản thể thế gian này xuất hiện thì Thằng Bờm mới “cười” đồng ý, là bởi vậy. 

          Tiếng cả cười của Bờm quả là cách hạ màn ác liệt cho cuộc chơi đầy trí tuệ, giữa Phú Ông - đại diện cho tầng lớp địa chủ, thống trị mang màu sắc văn hóa Hán – Hoa Hạ với thằng Bờm - đại diện cho những người nông dân, quần chúng lao động Lạc Việt từng làm nên nền văn hóa - văn minh lúa nước Văn Lang rực rỡ!

          __________________
           Ghi chú thêm: Yếu tố tâm lý trong cuộc trao đổi hàng hóa, giá hàng lớn đi kèm giá trị nhỏ, giả gần lại với thật. Tới lần trao đổi thứ 4 và thứ 5 giá trị hàng hoá đã  không còn quá chênh lệch, là “con chim đồi mồi” với “hòn xôi” đổi lấy cái quạt mo. Việc đưa giá trị mua và bán xích lại gần nhau, mới xem ngờ tưởng nó phù hợp với yếu tố tâm lý xã hội, sự thực đây chính là cái cách mà trí tuệ dân gian Việt Nam tạo ra nhằm cất giấu kín nhẹm ý tưởng triết học âm dương, ngũ hành và ý thức tố cáo sự cai trị, đô hộ thâm hiểm nhằm đồng hóa, thậm chí triệt tiêu sự sống giống nòi.   
          Kinh Dịch là sách xưa nay được xem là của nền văn hóa Hoa Hạ - Hán, song cũng có không ít công trình nghiên cứu cho rằng cuốn sách này vốn thuộc về nền văn hóa Văn Lang – Lạc Việt đã bị người Hán đô hộ và chiếm đoạt... Vậy trong bài ca dao Thằng Bờm, người Việt đưa đồ Hậu Thiên với âm dương, ngũ hành, và đem nghĩa chữ Nôm, Hán đặt tên cho hai nhân vật Thằng Bờm, Phú Ông và đặt ra cuộc đấu trí mang một ý nghĩa triết học, xã hội học sâu xa, có thể được xem như một mật chú ẩn giấu giá trị văn hóa dân tộc.

                                                                                                 ĐTK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...