Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

SỰ CÔ ĐƠN CỦA VĂN HỌC TIẾNG VIỆT




Nhà văn Lê Minh Khuê
http://vanvn.net/upload/news/admin/logo.jpgChiến tranh qua đi. Người Việt trẻ cùng với đất nước lại oằn mình qua các cuộc chiến tranh biên giới. Lại tiếp tục đau khổ nhưng tâm thế nhân vật văn học lúc này đã khác. Phía sau người cầm súng là đô thị đèn màu là lo toan cho cái riêng tư. Nhưng tinh thần giữ nước giữ đất vẫn quyết liệt trong các tác phẩm văn học.
Không chỉ là sự khác biệt mà có sự cô đơn. Tiếng Việt so với các thứ tiếng trên thế giới ít được chú ý. Viết văn bằng tiếng Việt luôn là thử thách bởi ít khi được giới thiệu ra ngoài. Nếu ra bên ngoài biên giới được thì cái hay của nó, sự sâu sắc của ý tưởng, tính nhạc của ngôn ngữ cũng bị mất mát rất nhiều so với các ngôn ngữ khác. Việt Nam có những nhà văn, đặc biệt là thơ thực sự lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và gần hơn như Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử... Nhưng tác phẩm của họ ít được chia sẻ do dịch thuật không thể hoàn hảo. Do xuất bản để quảng bá tác phẩm khó khăn. Do bản thân người Việt Nam cũng ít có khả năng, cả về thời gian và tài chính để đưa văn học của mình đến gần với các ngôn ngữ khác.
Các nước ở châu Á cũng viết bằng ngôn ngữ khác biệt. Ví dụ như Hàn Quốc, như Nhật Bản. Nhưng giống như nền kinh tế, họ đầu tư rất chất lượng, đã tập trung toàn lực để dịch thuật, xuất bản các ấn phẩm tinh thần của họ tới những ngôn ngữ lớn. Họ đã có những giải thưởng lớn một phần do tài năng đặc biệt của các nghệ sĩ nhưng một phần cũng được tài trợ của Chính phủ của nhân dân họ. Ở Việt Nam, nhà văn chưa được chú ý như vậy. Vì nhiều lý do. Trước kia là chiến tranh. Sau chiến tranh người Việt phải làm rất nhiều việc: giữ gìn lãnh thổ bằng các cuộc chiến tranh biên giới, tìm lối thoát cho nền kinh tế với cách làm ăn trì trệ yếu kém trong thời kỳ hậu chiến, cho đến hôm nay tìm lối đi cho kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nhưng dù cô đơn trong ngôn ngữ biệt lập, tư duy, cảm xúc của nhà văn Việt Nam, rất gần với thế giới. Hai miền Nam Bắc, từ thời chiến tranh chia cắt đã có những dịch giả rất giỏi chuyển các tác phẩm nổi tiếng của thế giới ra tiếng Việt. Hầu hết các tác phẩm cổ điển và hiện đại đã được đọc ở cả hai miền. Người Việt Nam đọc rất nhiều. Cho đến ngày hôm nay, tác phẩm văn học xuất hiện có tiếng vang ở các nhóm ngôn ngữ như tiếng Anhh tiếng Pháp tiếng Tây Ban Nha tiếng Trung Quốc tiếng Nhật... đều được dịch sang tiếng Việt. Người Việt Nam không hề lạc hậu với sáng tác văn học trên thế giới.


2. Hơn nửa thế kỷ qua, nhân vật chiếm lĩnh văn đàn là người Việt trẻ.
Những người Việt đứng lên từ cuộc sống nô lệ thuộc Pháp, ra đi từ các vùng thôn quê đã cầm súng đổ xương máu giành giật lấy cuộc sống tự do. Nhưng chiến tranh đeo đẳng dài lâu. Đất nước cắt làm hai do ý đồ xấu của những cường quốc. Ở phía Bắc bắt đầu một cuộc di chuyển giành đất. Phía Nam người Việt trẻ phân tán một phần đi theo cuộc chiến tranh chống Mỹ một phần đi theo đường quân đội phục vụ Mỹ. Ở phía Nam nhà văn cũng có nhiều khuynh hướng nhưng để trốn tránh thực tại nhân vật văn học thường xuất hiện trong phòng trà, phòng ngủ, trong gia đình riêng biệt nơi con người tưởng đời sống vật chất dư thừa do người Mỹ đổ vào cho chiến tranh. Nhân vật văn học trong mảng đề tài này không tiêu biểu cho cuộc sống rộng lớn đầy máu lửa và bạo lực mà nhân dân đang phải đương đầu. Nhân vật văn học mạnh mẽ nhất xuất hiện trong thời kỳ từ năm 1945 đến 1975, thời kỳ gọi là văn học cách mạng miêu tả người Việt trẻ trong các bưng biền cho đến đô thị đều đi chung một con đường là chiến tranh chống Mỹ. Nhân vật văn học thời kỳ này luốn có khí thế của tinh thần chống lại bạo lực, phần lớn các nhân vật tôi có tâm trạng phấn chấn, có tương lai, có sự ổn định trong tinh thần với một mục tiêu duy nhất là giành lại đất, là để đất nước liền một dải. Nói như vậy không có nghĩa nhân vật văn học đơn giản một chiều. Các nhà văn sáng tác trong một cái khung định sẵn những tài năng thời kỳ này rất đáng tự hào đặc biệt là thơ mà ngày nay có nhà nghiên cứu gọi là thơ chống Mỹ. Tài năng thiên bẩm cộng với khát vọng cái đẹp, với tinh thần lành mạnh làm cho thơ của tác giả trẻ viết cho người Việt trẻ trong chiến tranh có những đỉnh cao, nếu được dịch tốt sẽ đứng ngang hàng với nhiều nhà thơ trẻ ở các vùng đất. Thời kỳ chiến tranh bùng nổ tài năng, thời kỳ tinh thần con người xả thân cho việc lớn, hầu như rất ít tính cá nhân và tinh thần thơ ấy sản sinh ra hình thức thơ đặc biệt làm cho thơ lay động tất cả mọi người. Văn xuôi cũng có nhiều nhân vật được nhà văn sáng tạo trong tiểu thuyết, truyện ngắn. Những nhân vật trẻ, những số phận đa dạng trong chiến tranh gây ấn tượng mạnh mẽ, có sức khích lệ con người chịu đựng đau khổ riêng tư để làm việc chung.
Chiến tranh qua đi. Người Việt trẻ cùng với đất nước lại oằn mình qua các cuộc chiến tranh biên giới. Lại tiếp tục đau khổ nhưng tâm thế nhân vật văn học lúc này đã khác. Phía sau người cầm súng là đô thị đèn màu là lo toan cho cái riêng tư. Nhưng tinh thần giữ nước giữ đất vẫn quyết liệt trong các tác phẩm văn học.
Thời kỳ đổi mới đến nhanh biến đổi nhân vật văn học. Thế hệ 8X và 9X (sinh từ 1980 đến nay) không có khái niệm về chiến tranh nữa. Những gì cha anh họ đã làm để thống nhất lãnh thổ thì người trẻ tuổi nhìn rất mơ hồ, thậm chí có người chối bỏ. Và cái đó in dấu trong tác phẩm của nhà văn trẻ. Xuất hiện nhiều nhà văn không viết về các nhân vật của chiến tranh. Rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng tập trung nhất vào việc miêu tả người Việt trẻ với sự cô đơn trong đời sống đô thị, trong một thế giới bất ổn của đời sống thật, hàng ngày, đau khổ và nhiều day dứt. Nhiều tác phẩm quan tâm đến tính phức tạp trong bản chất người Việt trẻ hôm nay. Xuất hiện những tác phẩm kết hợp được lối viết truyền thống và hiện đại, miêu tả người Việt trẻ bất ổn, luôn di động, đi tìm khát vọng tự do dân chủ, đi tìm cái đẹp, đi tìm bản thân. Nhiều nhân vật đa chiều, có tầm vóc, không đơn điệu, không tẻ nhạt. Chỉ là những con người cô đơn, đầy lo  âu... Văn học viết về người Việt trẻ của nhà văn Việt Nam ngày hôm nay đều rất gần với tâm thế chung của mọi vùng đất.
Trong đời sống bình thường, người Việt trẻ hôm nay đã rất nhanh hoà vào trào lưu chung của thanh niên Châu Á với sự sùng bái hàng hiệu, sùng bái lối sống hưởng thụ. Đất nước còn nghèo nhưng đã hình thành một tầng lớp người Việt trẻ giàu có nhờ bất động sản, nhờ chứng khoán, nhờ các dự án và có cả những người giỏi làm chủ các cơ sở sản xuất. Có các đại gia sở hữu dàn siêu xe, những người đứng đầu các tập đoàn lớn... Việt Nam ở trong tốp 8 thị trường khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có tên trong danh sách 20 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng có nhiều đại gia trẻ được tạp chí Forbes đánh giá cao, sở hữu hàng chục triệu đô la chưa kể bất động sản... Hình thành văn  hoá câu lạc bộ, đi spa, mua sắm... và tôn sùng hàng hiệu.
Nhưng song song với các tài sản cá nhân giàu có (dù chiếm số ít) là đời sống tinh thần đơn điệu nghèo nàn. Người Việt trẻ say mê những vật bất ly thân như điện thoại di động, ipad - láp tốp Blackberry... Say mê xe ô tô, xe máy đắt tiền. Đi theo đó là sản phẩn của Loui Vuitton: túi xách, ví, giày, quần áo may sẵn, nữ trang, đồng hồ của các hãng Gucci - Chenel - Dior...
Tất cả sự say mê ấy có trong các nhân vật người Việt trẻ, xuất hiện dày trong các tác phẩm văn học. Người lớn tuổi có lúc đã lo ngại về tâm thế hưởng thụ của người Việt trẻ. Nhưng năm 2014, người Trung Quốc quấy rối ở biên giới, đem giàn khoan vào vùng biển của người Việt, hành xử côn đồ. Cũng những người Việt trẻ mơ hồ chiến tranh kia đã quyết liệt bày tỏ chính kiến của họ về Tổ quốc, báo hiệu sự phẫn nộ có sự xả thân cho việc chung nếu cần thiết.
Tinh thần của các thế hệ bảo vệ lãnh thổ không mất đi trong những người trẻ, nó trở lại trong sáng như xưa, báo hiệu có những tác phẩm văn học xứng đáng.
3. Trở lại vấn đề sự cô đơn của văn học tiếng Việt.
Các vấn đề của văn học Việt Nam rất gần với thế giới.
Làm thế nào để đưa các sản phẩm tinh thần ấy đến với người đọc ở nhiều vùng đất. Điều cần nhất quan trọng nhất là tài năng. Tiếp theo là có sự hậu thuẫn nhiều mặt để quảng bá để xuất bản.


1 nhận xét:

  1. Rất tâm huyết. Rất xúc động... Như một tiếng chuông vang lên khiến cho ta phải giật mình nhìn lại...

    Trả lờiXóa