Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

THÓI "CÔNG QUYỀN"

XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - “Thói công quyền” không phải là thói xấu của người Việt, nó thuộc về “một bộ phận không nhỏ” có thể vạch mặt, chỉ tên, nhưng quan trọng là ai làm?
“Thói” không phải là đặc tính bẩm sinh hay di truyền, nó là những gì con người tiếp nhận từ cuộc sống cộng đồng, tích lũy dần dần mà trở thành nét đặc trưng cho từng cá nhân hay nhóm người. Có thể phân chia “thói” thành ba mức, mức cao là những thói tốt như thói cầu thị, thói tiết kiệm, thói chăm học…, mức nhỡ là các thói vô thưởng vô phạt như thói nói khoác, thói la cà…, mức thấp là các thói xấu như thói ăn cắp, thói nói dối, thói cửa quyền, thói kèn cựa… Có một “thói” xuất hiện cũng khá lâu song chỉ mấy chục năm nay người ta mới nhận diện được nó một cách chính xác ấy là “Thói công quyền”.
Xin đừng nhầm lẫn giữa “thói cửa quyền” và “thói công quyền”. Nói theo cách của các nhà toán học “thói công quyền” chỉ là “thói con” của “thói cửa quyền”, nhưng nó lại là thủy tổ của rất nhiều thói xấu khác mà người Việt ngày nay dù căm ghét song vẫn phải “sống chung với chuột”!
Vì là “thói con” của “thói cửa quyền” nên “thói công quyền”  luôn  mang nét đặc trưng của bố (tại sao lại không phải là của mẹ?), ấy là quyền lực thể hiện trên cánh cửa. Khi trên cánh cửa phía bên ngoài có tấm biển ghi chữ Tổng giám đốc, Giám đốc, hay Giáo sư, Phó giáo sư… thì chủ nhân ngồi trong căn phòng nghiễm nhiên là có quyền, bất kể người đó là trung thực hay nhiều khi “nhỡ” nói dối, bất kể là thông minh hay “trót” mua nhầm phải bằng tiến sĩ rởm,…


Đặc trưng thứ nhất của “thói công quyền”  là “tham nhũng vặt”.

Chắc rằng không cần phải trích dẫn nguồn gốc câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nạn tham nhũng chốn công quyền: “cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”, hay câu nói của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “ăn của dân không từ một cái gì”.


(GDVN) - Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khuyên lãnh đạo Đà Nẵng: để phát triển thành phố “cần nhìn ra người dân, đừng nhìn xuống cái chân ghế của mình!”
Sở dĩ không đưa “tham nhũng lớn” thành đặc trưng của “thói công quyền” vì nó không phải là đặc trưng mang tính phổ quát. Tham nhũng vặt có thể gặp bất kỳ đâu, từ phường xã lên huyện, tỉnh, từ chỗ ngồi của chị bán rau vỉa hè đến cảng hàng không quốc tế. 
Người ta ăn chặn của dân từ gói mì tôm, đến con dê xóa đói, từ ngôi nhà tình nghĩa của mẹ Việt Nam anh hùng đến viên đá xây dựng Trường Sa. Khi người ta “ăn” tất cả những gì có thể ăn, bất kể là sạch hay bẩn, khi người “ăn” thuộc mọi “chủng loại”, từ người chỉ có cái chức bé xíu mà dân gian gọi là “quan cỏ” đến những người có trọng trách khá cao ở trung ương thì đó mới là đặc tính phổ quát, đó mới xứng đáng là đặc trưng thứ nhất của “thói công quyền”.
Muốn tham nhũng thì phải có quyền, muốn có quyền thì phải có chức, nhưng không phải ai có chức cũng có quyền. Người lao động đôi khi chua xót nhận xét về tổ chức đại diện cho quyền lợi của mình là “ăn theo, nói leo”, có chức nhưng không có quyền thì khó mà tham nhũng. 
Dẫu sao cũng cần sòng phẳng mà nói “ngồi chơi xơi nước” tuy không thể tham nhũng nhưng cũng chính là một dạng tham nhũng.  Người viết đồng tình với quan điểm của ĐBQH Dương Trung Quốc trước câu hỏi ai có thể tham nhũng? “Với cơ chế chính trị như hiện nay thì đó phải là các đảng viên… Nhưng trong 4 triệu đảng viên thì chỉ một số ít có quyền lực, có chức vụ, có quyền động chạm đến ngân sách quốc gia, công sản quốc gia”. [1]

Đặc trưng thứ hai của “thói công quyền” là quyền “im lặng”.

Xin nêu một vài ví dụ, Tin nhanh Việt Nam ra thế giới Vietbao.vn, cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 27/12/2012 có bài “Sinh viên viết tâm thư, Bộ sai nhưng… im lặng”.
Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có văn bản kết luận số 816/KL-BGDĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký, kết luận chỉ rõ hai Hiệu phó đương nhiệm của ĐH Chu Văn An, một người là kỹ sư nhưng tự phong cho mình học vị thạc sĩ, một người dùng bằng tiến sĩ nước ngoài cấp không được công nhận tại Việt Nam. Nhiều đơn thư tố cáo đã gửi tới UBND tỉnh Hưng Yên nhưng sau 05 tháng kể từ ngày Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành kết luận thanh tra, lãnh đạo tỉnh này vẫn hoàn toàn im lặng không xử lý theo quy định của pháp luật. 
Điều này cũng có nghĩa là lãnh đạo tỉnh Hưng Yên công nhận những người sử dụng bằng “rởm”, mạo nhận học vị vẫn có quyền lãnh đạo trường đại học? Vì sao chính quyền Hưng Yên lại cố tình im lặng trước kết luận của Bộ GD&ĐT, phải chăng Luật Giáo dục đại học không có giá trị trên địa bàn tỉnh này?
Tại sao ngành Điện và Bộ Công Thương lại im lặng trước kiến nghị về việc giao cho một cơ quan kiểm định độc lập chịu trách nhiệm đánh giá sự chính xác, kẹp chì, niêm phong đồng hồ đo điện mà lại cứ để ngành Điện vừa đá bóng, vừa thổi còi?
Trong khi quyền im lặng của công dân trong tố tụng hình sự được Quốc hội xem xét nghiêm túc thì người ta lại cố tình quên đi, rằng không có bất kỳ điều luật nào cho phép cơ quan công quyền được im lặng trước những kiến nghị chính đáng của người dân và công luận.

Đặc trưng thứ ba của “thói công quyền” là “lợi ích nhóm”.

Không khó tìm dẫn chứng về việc lợi dụng quyền lực được giao, người ta tìm cách thu vén cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương bất chấp việc làm đó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phá hoại môi trường. Chuyện tỉnh Thừa Thiên-Huế cho người Trung Quốc thuê đất trên địa bàn chiến lược đèo Hải Vân, chuyện Tập đoàn Dệt may Việt Nam buông lỏng quản lý để xả thải bừa bãi ra môi trường hay chuyện ngành Điện chỉ là những ví dụ mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng.
Tranh minh họa. Tác giả họa sĩ LEO
Sau thời tỉnh nào cũng có nhà máy xi măng, tỉnh nào cũng đòi xây thủy điện, gần đây dư luận lại quan tâm đến chuyện tỉnh nào cũng có đài truyền hình, huyện nào cũng có đài phát thanh, bộ ngành nào cũng có vài tờ báo.
Truyền hình cáp Việt Nam khu vực Hà Nội có hàng trăm kênh, dù có là “tỷ phú thời gian” cũng chẳng có ai xem hết số kênh đó dù chỉ là một lần trong một năm. Nhiều một cách đáng kinh ngạc số lượng đài phát thanh truyền hình nhưng món ăn tinh thần của người dân hàng ngày chủ yếu vẫn là phim Hàn, phim Tầu và đương nhiên không thể thiếu các khung giờ vàng cho quảng cáo. 
Tiền thu từ quảng cáo có góp phần nâng cao dân trí hay chỉ làm lợi cho một nhóm người? Liệu số lượng đài phát thanh, truyền hình nhiều như vậy có tiêu tốn tiền thuế của dân hay chỉ là chỗ trú chân cho con cháu quan chức trong ngành? Vì sao số lượng cơ quan thông tin tuyên truyền nhiều như vậy mà đạo đức xã hội càng ngày càng xuống cấp?
Sự nguy hiểm càng tăng khi quyền lợi của các nhóm lợi ích đan xen với nhau, chẳng hạn giữa ngân hàng và bất động sản, giữa giới đầu cơ và cơ quan quản lý dự án, giữa truyền thông và giới nghệ sĩ… Thậm chí có người còn đặt câu hỏi rằng có lợi ích nhóm khi xây dựng luật hay không?

Đặc trưng thứ tư của “thói công quyền”  là xem thường kỷ cương, phép nước.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết quả thanh tra tại Hà Tĩnh, như tin đã đưa trên Vietnamnet.vn ngày 2/3/2015: “Có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng ở Hà Tĩnh” vừa được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Cụ thể: “cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất vượt cả thẩm quyền của Chính phủ”, “việc Hà Tĩnh vượt quyền Chính phủ để cho thuê đất lên đến thời hạn 70 năm là một sai phạm rất nghiêm trọng”…


(GDVN) - Chuyện “tay nhúng chàm” của người làm công tác chống tham nhũng là những người thuộc về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chạy theo danh lợi, tiền tài...
Đáp lại kết luận của TTCP, Hà Tĩnh cho một cán bộ cấp “trung bình” là ông Thái Sinh, Chánh thanh tra tỉnh trả lời báo chí, bài trên Infonet.vn ngày 3/3/2015 dẫn ý kiến ông Sinh về kết luận của TTCP: “UBND tỉnh cho rằng đây là một quan điểm áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý”,…, “dự án này đã nằm trong Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên cơ quan có thẩm quyền được phép cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không phải xin ý kiến của Chính phủ”. [2]
Theo “lý sự” của tỉnh Hà Tĩnh thì Thủ tướng đã duyệt nên Chính phủ không có quyền can thiệp. Thế nếu Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng can thiệp thì sao, Hà Tĩnh không cần xin ý kiến Chính phủ nhưng có cần xin ý kiến Thủ tướng (hoặc Phó Thủ tướng) không? Hay là khi Thủ tướng đã phê duyệt thì trong phạm vi dự án, Hà Tĩnh trở thành một vương quốc độc lập với Trung ương và pháp luật nhà nước?
Ý kiến của vị đại diện tỉnh Hà Tĩnh trong bài báo: “Trong báo cáo dự án đầu tư nêu rõ thời hạn đầu tư được tính 70 năm và thời gian thuê đất là 70 năm. Tất cả các Bộ, ngành cho ý kiến đều đồng thuận với thời hạn đầu tư 70 năm” khiến người ta không khỏi giật mình. Vì sao lại giật mình, vì rằng Hà Tĩnh quá giỏi trong việc lách luật, đặc biệt là việc “gài bẫy” Chính phủ. Cả nước chỉ có 22 bộ, ngành (ngang bộ) mà Hà Tĩnh đã xin ý kiến 11 đơn vị tức là 50/50, chỉ thiếu mỗi chữ ký của Thủ tướng. Nhưng mà Thủ tướng đã ký phê duyệt dự án tổng thể rồi nên cái “dự án con 70 năm” ấy chả cần phải hỏi.
Nếu các tỉnh đồng loạt học tập Thừa Thiên–Huế, Hà Tĩnh cũng tìm cách lách luật, cũng “gài bẫy” Chính phủ thì đất nước này có còn nguyên vẹn, dân tộc này có đủ sức mạnh chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi? Sự "phản pháo" của tỉnh Hà Tĩnh với Chính phủ có phải là biểu hiện xem thường kỷ cương, phép nước và liệu nó sẽ bị dẹp bỏ hay ngày càng lan rộng?
Nếu chỉ nêu một ví dụ ở Hà Tĩnh e rằng nhận định sẽ bị đánh giá là mang tính suy diễn, quy chụp. Xin nêu thêm ví dụ khác, Vietbao.vn ngày 22/12/2010 chạy tít “Phát hiện gần 7.000 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật”. Nếu biết rằng nước ta hiện có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, có 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tổng cộng chưa đầy 100 cơ quan ngang bộ (tức là cơ quan có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật). Chia bình quân một cách cơ học, mỗi bộ, tỉnh ban hành khoảng 70 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Với số lượng văn bản (có dấu hiệu) vi phạm pháp luật khủng khiếp như vậy, đã có thể chỉ ra cơ quan công quyền nào coi thường kỷ cương phép nước chưa, hay đây chỉ là do sự yếu kém về năng lực của đội ngũ công chức? Liệu bao giờ cái thói xem thường kỷ cương, phép nước mới chấm dứt ở những cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật?
Nếu mỗi văn bản ban hành sai được quy trách nhiệm cho hai người, người soạn thảo và người ký thì ngay lập tức có thể cho ra khỏi biên chế ít nhất khoảng 14.000 người, phải chăng đây có thể là một gợi ý cho công tác tổ chức cán bộ trong tình hình Chính phủ cần tinh giảm biên chế?
 “Thói công quyền” không phải là thói xấu của người Việt, nó thuộc về “một bộ phận không nhỏ” có thể vạch mặt, chỉ tên, nhưng mà “vạch” rồi, “chỉ” rồi thì làm gì và quan trọng là ai làm?
Tài liệu tham khảo:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẠI SAO ĐÀI LOAN QUAN TRỌNG VỚI THẾ GIỚI

  Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng Nguồn: Gideon Rachman, “ Why Taiwan matters to the world ,” Financial Times, 10/04/2023 Biên dịch: Nguyễn ...